Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất

19:11 24/12/2022

Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác tất cả các loại tàu bay Code C, Code E.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.

Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia giúp nâng công suất khai thác Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm, khắc phục tình trạng quá tải sân bay hiện nay.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị và TP Hồ Chí Minh.

Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đang khai thác với một nhà ga hành khách quốc tế và một nhà ga hành khách quốc nội với công suất thiết kế 28 triệu khách/năm. Trong đó, nhà ga quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế. Với tốc độ phát triển bình quân 14,5%/năm trong những năm qua, dự kiến nhà ga quốc nội sẽ quá tải gấp hơn hai lần vào năm 2024.

Dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất” gồm 3 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng.

Nguồn vốn để thực hiện Dự án được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).

Dự kiến sau 24 tháng thi công, dự án sẽ hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2024, đáp ứng tiến độ đề ra theo yêu cầu của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E, được thực hiện đồng thời với các công trình mở rộng đường giao thông kết nối do TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và TP Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực phối hợp cùng tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, vốn và hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công dự án quan trọng này và có ý nghĩa này.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng và nhà nước để phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng vận tải hàng không là nội dung quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông; đa dạng hóa các phương thức vận tải nhằm chia sẽ, kết nối liên thông trong và ngoài nước là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong những năm qua nước ta đã tập trung nhiều nguồn lực của Nhà nước và nhà đầu tư nhất là vốn xã hội hóa cho phát triển hạ tầng giao thông; đã xây dựng được nhiều dự án giao thông quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu đổi mới, hệ thống hạ tầng vận tải ngành hàng không vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế; nhiều sân bay đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Cần có giải pháp, kế hoạch đầu tư đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, an toàn bay cho hiện tại và cả tương lai.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế, dùng chung giữa dân dụng và quân sự.

Về dân dụng được quy hoạch là Cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Về quân sự là sân bay quân sự cấp I. Sản lượng hành khách đạt 50 triệu HK/năm, hàng hóa khoảng 0,8 đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Cùng với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giảm bớt tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ TP Hồ Chí Minh, ùn tắc tại nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tăng công suất phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, phục vụ người dân.

Sau khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 90% chuyển bay nội địa, 10% chuyến bay quốc tế và Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khai thác 10 % chuyến bay nội địa, 90% chuyến bay quốc tế.

Đây là 2 dự án rất quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, an ninh, quốc phòng của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, các tỉnh phía Nam nói riêng cũng như của cả nước nói chung.

Thủ tướng cho rằng lễ khởi công chỉ là bước khởi đầu. Để hoàn thành, đưa nhà ga vào khai thác còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, an toàn, đảm bảo chất lượng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng và phấn đấu vượt tiến độ, sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng; không đội vốn, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Quốc phòng và Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng đợt 2 theo tinh thần Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 28/7/2022 của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 và Dự án đường giao thống kết nối với Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

"Việc giải phóng mặt bằng phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống ở nơi ở mới tốt hơn, ít nhất là bằng với nơi ở cũ", Thủ tướng chỉ rõ.

Người đứng đầu Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; tích cực kiểm tra, giám sát quá trình thi công bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh chủ động đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3 để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi đưa Nhà ga hành khách T3 vào khai thác.

Đối với các nhà thầu, Thủ tướng yêu cầu "đã nói thì phải làm, đã hứa phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả," tổ chức thi công đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng thời gian, chống lãng phí.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị và TP Hồ Chí Minh phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong quá trình thực hiện; xử lý hiệu quả các vấn đề vướng mắc phát sinh trên nguyên tắc vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cấp nào, thì cấp đó xử lý.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công và cùng đại diện các bộ, ngành, đơn vị thực hiện nghi thức khởi công Dự án xây dựng công trình Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.

Theo Vietnamplus

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文