Thủ tướng trả lời chất vấn về cải cách tiền lương, nhận diện mối quan hệ "doanh nghiệp sân sau"
Thủ tướng cho biết sẽ cải cách để tiền lương khu vực nhà nước và ngoài nhà nước tiệm cận nhau, đồng thời thực hiện các quy định của Đảng và hệ thống pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu...
Sáng 8/11, Quốc hội dành 70 phút chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) về giải pháp chấn chỉnh tình hình cháy nổ nghiêm trọng như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm 56 người thiệt mạng, Thủ tướng cho biết, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ rất thương tâm trong như cháy chung cư mini, cháy quán karaoke... Trước thực trạng đó, Chính phủ cũng đã có những biện pháp, giải pháp ngăn chặn.
Nêu các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền quy định PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia PCCC và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra. "Một là kỹ năng phòng, hai là kỹ năng chống", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền. Bởi thực tế cho thấy, chỗ nào cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chỗ đó thực hiện tốt. Thêm vào đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của hệ thống chính quyền; công tác quy hoạch, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn; huy động sự tham gia của người dân, tổ dân phố, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác PCCC; hiện đại hoá lực lượng nòng cốt về PCCC...
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) về chính sách tiền lương năm 2024 và các giải pháp căn cơ cần phải thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiền lương luôn là vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm. Tiền lương vừa góp phần tái tạo sức lao động, cũng là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động.
"Nghị quyết 27 của Trung ương đã ban hành trước đây nhưng chưa thực hiện được do nguồn lực còn khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng là Chính phủ đã cố gắng tăng thu, giảm chi, trích lập và hiện đã có 560 nghìn tỷ phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026", Thủ tướng nói. Song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, chúng ta cũng cải cách tiền lương trong khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Làm sao để lương hai khối này tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
Thủ tướng khẳng định, tới đây sẽ phải hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, tinh giản biên chế, gắn với hiệu lực hiệu quả bộ máy, đồng thời tiết kiệm các khoản chi, đảm bảo chi lương cho người lao động. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hàng loạt các vấn đề khác như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu trước đó...
Trả lời thắc mắc của ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) về giải pháp để đưa lực lượng lao động có việc làm phi chính thức vào phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu, thực tế đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; vừa qua, do tác động của đại dịch COVID-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, mất đơn hàng, khó khăn... nên việc dịch chuyển lao động cũng là điều tiết để người lao động phù hợp, thích ứng với tình hình, tìm sinh kế cho mỗi người.
"Trình tự chủ, tự lực, tự cường như vậy là rất đáng hoan nghênh. Nhưng về quản lý nhà nước thì phải suy nghĩ" - Thủ tướng thừa nhận và cho biết, giải pháp sắp tới là phải tạo công ăn việc làm cho người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực công nghiệp, chuyển dịch từ khu vực nông thôn ra thành thị, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; tái cơ cấu nông nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội, phát huy tinh thần "bầu ơi thương lấy bí cùng", hỗ trợ nhau.
Chính phủ đang bổ sung, xây dựng các giải pháp, làm sao đi vào cuộc sống, giải quyết được vấn đề lao động", Thủ tướng nêu.
Đối với chất vấn của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về công tác cải cách thể chế, Thủ tướng cho biết, trong 3 đột phá chiến lược cần phải hài hoà. "Ưu tiên thì chúng ta đã ưu tiên rồi, nhưng phải hài hoà, hợp lý. Thể chế để tháo gỡ; nguồn lực, phát triển hạ tầng tạo sức cạnh tranh cho hàng hoá, giảm chi phí logistics; nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, cần hài hoà, phù hợp trong từng hoàn cảnh, giai đoạn...", Thủ tướng nêu quan điểm.
Thủ tướng cũng thừa nhận như đại biểu nêu, đúng là thủ tục hành chính còn rườm rà, thái độ một bộ phận cán bộ, công chức xử lý công việc theo thẩm quyền nhiều lúc còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm... Do đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền đối với đội ngũ cán bộ công chức; giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, doanh nghiệp, xã hội...
"Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ; tăng chế tài xử lý" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan ý kiến tranh luận của ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) về giải pháp mạnh mẽ, căn cơ để nhận diện đúng, trúng, kịp thời các mối quan hệ "doanh nghiệp sân sau" để có cơ sở thiết kế quy phạm pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, nghị quyết, kết luận để nhận diện ra những vấn đề này.
Điều quan trọng bây giờ là phải cụ thể hoá ra, trên tinh thần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, vai trò của cán bộ công chức, viên chức, quyết liệt thực hiện theo quy định của Đảng và hệ thống pháp luật...