Thủ tướng trăn trở, day dứt khi đời sống của người có công còn khó khăn
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức.
Cùng dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và tỉnh Điện Biên.
Đặc biệt, dự cuộc gặp mặt có các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động, thân nhân gia đình liệt sỹ và 139 thương, bệnh binh, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đến từ mọi miền Tổ quốc.
Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu
Ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Sau 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Đó là bản anh hùng ca bất diệt, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Để làm nên chiến thắng đó, hàng vạn anh hùng, liệt sỹ đã hiến dâng trọn đời mình cho sự trường tồn của Tổ quốc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thiết thực chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công; phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và khí thế hào hùng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động mọi nguồn lực ở trong nước cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, xây dựng đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn.
Ông Bùi Kim Điều, cựu chiến binh Điện Biên chia sẻ niềm tự hào được tham gia trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ tại “cánh cửa thép” Him Lam, với chiến thắng oanh liệt, song cũng có nhiều đau thương, mất mát; cũng như các trận đánh sau đó cho tới khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn.
Ông Dương Chí Kỳ, cựu chiến binh Điện Biên đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, ôn lại kỷ niệm những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” của những người “đầu trần, chân đất, áo mộc” khiến đội quân của Tướng De Castries phải đầu hàng.
Mặc dù tuổi đã cao, sức giảm song các cựu chiến binh Điện Biên vẫn giữ được khí thế của những ngày tháng Năm lịch sử; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, bản chất Anh bộ đội Cụ Hồ giáo dục, làm gương cho thế hệ trẻ nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước nói chung và tỉnh Điện Biên xứng đáng với tầm vóc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các đại biểu, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu - người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang; tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính mến - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, những đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì giải phóng dân tộc; bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đồng bào, chiến sỹ cả nước, các dân tộc Đông Dương anh em đã đoàn kết, đồng lòng, kề vai sát cánh, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa", cùng chia lửa trên chiến trường để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thủ tướng nhấn mạnh Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở vùng rừng núi Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả Đông Nam Á. Thấy rõ vị trí quan trọng này, năm 1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù và không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác…, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm."
Đánh giá đúng tình hình và âm mưu, thủ đoạn của địch, tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã sáng suốt quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được".
Trước muôn vàn nguy hiểm, gian khó, song với tinh thần “tất cả vì mặt trận", “tất cả cho tiền tuyến", “tất cả để chiến thắng", sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ với ý chí quật cường, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân cả nước dồn sức người, sức của để Điện Biên Phủ là chiến thắng quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân, góp phần quan trọng giành lợi thế lớn trên bàn đàm phán Hiệp định Geneve, mở ra trang mới vẻ vang cho cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng nhận định Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được thể hiện bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp; là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; của tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường; của ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn quân, toàn dân ta; là chiến thắng của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong đó có sự ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Đất nước không bao giờ quên
Thủ tướng Chính phủ khẳng định chúng ta không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng danh thêm truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc ta như các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… cùng hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ biển đảo đến đất liền, già trẻ gái trai đều nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, giết giặc lập công; hay hình ảnh của “binh chủng xe đạp thồ” ngày đêm vận chuyển, đóng góp sức người, sức của bảo đảm điều kiện tốt nhất cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng tiền phương.
Và không bao giờ quên tinh thần hăng hái, phấn khởi của các đoàn dân công lên đường với niềm tin tất thắng; hàng vạn người ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, mở hàng nghìn km đường giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch.
Nhắc lại những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/Mấy tầng mây gió lớn mưa to/Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân…", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động được gặp lại những tấm gương, hình ảnh ấy, cảm nhận tinh thần hăng hái, phấn khởi ấy từ 139 chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt tại buổi gặp mặt - những người con ưu tú của đất nước đã cống hiến sức lực, máu thịt của mình để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm; xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết những năm qua, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả; đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Thủ tướng cho biết hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương-Nghìn mái nhà hạnh phúc", tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc làm nhà Đại đoàn kết cho 5.000 hộ gia đình, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Trăn trở, băn khoăn, day dứt và cảm thấy có lỗi khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính..., Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng để khơi dậy lòng yêu nước, phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ người trồng cây” và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, non sông.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình. Quan tâm hơn nữa đến người có công có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”; ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn, với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi.
Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình. Chú trọng xây dựng và chỉnh trang không gian, cảnh quan nghĩa trang liệt sỹ bảo đảm khang trang, sạch đẹp, thể hiện sự thiêng liêng, tôn kính để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho các thế hệ mai sau. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ trong quản lý dữ liệu thông tin, hình ảnh, kỷ vật về các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh; xác định ADN đối với các trường hợp liệt sỹ chưa rõ thông tin…
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sẽ không ngừng phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn là những tấm gương sáng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ noi theo.
Ðã 70 năm trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao quà tặng 139 đại biểu là chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có mặt tại sự kiện.
Trước đó sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dâng hương, viếng các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang A1 ở thành phố Điện Biên Phủ.
Thủ tướng và đoàn đại biểu kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng; máu đào và sự hy sinh của các anh đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.