Thừa Thiên-Huế nỗ lực để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

08:22 11/03/2023

Thừa Thiên-Huế đang ra sức vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khẩn trương thực hiện hiệu quả các kế hoạch, giải pháp để xây dựng, phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Thừa Thiên-Huế được biết đến là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”. Do đó, quá trình phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản, giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương, giữ được các thương hiệu mà tỉnh đã dày công xây dựng và định vị.

Bên cạnh đó, với diện tích tự nhiên tương đối lớn (hơn 5.000km2), để phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 lên đến gần 180.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước được xác định khoảng 30.000 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và dân cư vào khoảng 60.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên-Huế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển về lâu dài của tỉnh nhà. Vì thế, hiện tỉnh đang dốc toàn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển tỉnh theo mục tiêu trên. Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng gồm quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên-Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; đề án phân loại đô thị Thừa Thiên-Huế trực thuộc Trung ương, bao gồm phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên-Huế; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; đề án khu công nghệ cao Thừa Thiên-Huế.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Đặc biệt, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển đô thị như tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, hạ tầng khu đô thị mới Thuận An. Ngoài ra, đã có nhiều dự án, công trình trọng điểm được tỉnh khởi công xây dựng như khởi công khu công nghiệp Gilimex quy mô hơn 460ha tại thị xã Hương Thủy với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng; khởi công trung tâm thương mại Aeon Mall Huế tại khu đô thị mới An Vân Dương (phường An Đông, TP Huế) có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng…

Ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, với mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến tỉnh sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Theo đó, sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TP Huế từ 29 phường, 7 xã còn lại 32 phường, chia thành 2 quận. Quận phía Bắc gồm 13 phường, quận phía Nam gồm 19 phường. Đối với phương án lựa chọn tên gọi chung cho thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra 2 phương án, thứ nhất là tên gọi “Thành phố Huế” và phương án hai là “Thành phố Thừa Thiên-Huế”.

Từ đầu tháng 1/2023, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến người dân qua mạng internet về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 2 tháng triển khai, đến ngày 9/3, đã có hơn 36.000 lượt bình chọn cho các phương án về thành lập các đơn vị hành chính, tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương, tên gọi các đơn vị hành chính quận phía Nam sông Hương và quận phía Bắc sông Hương. Về tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong tổng số 8.900 lượt bình chọn có 87,8% chọn phương án tên gọi “Thành phố Huế”; 11,7% chọn phương án tên “Thành phố Thừa Thiên - Huế” và 0,4% chọn phương án khác.

Tên gọi “Thành phố Huế” được các nhà nghiên cứu, học giả ủng hộ xét trên nhiều bình diện tại hội thảo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức trước đó. Theo các nhà nghiên cứu, học giả, việc đặt tên gọi “Thành phố Huế” khi tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thuận lợi trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu khẳng định, trong năm 2023 và những năm tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững; huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ của các doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức để hỗ trợ, tạo sinh kế cho người nghèo trên toàn địa bàn, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội nhằm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên-Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg, làm cơ sở để UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành lập, trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch, phục vụ mục tiêu thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Anh Khoa

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文