Thúc đẩy hợp tác về kinh tế thương mại, du lịch giữa tỉnh Vân Nam và các địa phương Việt Nam

16:50 16/08/2023

Nhận lời mời của Chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngày 16/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, cùng Lãnh đạo bộ/ngành và địa phương Việt Nam dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7, Hội chợ Xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội chợ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn chân thành về sự đón tiếp trọng thị, chu đáo dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam. Đồng thời, chúc cho Hội chợ - sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế có quy mô lớn nhất của Trung Quốc với khu Nam Á thành công tốt đẹp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Hội chợ cùng nhiều sự kiện được tổ chức nhân dịp này. Với chủ đề “Đoàn kết hợp tác, cùng tìm kiếm sự phát triển”, Hội chợ là hành động thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp các nước trong khu vực mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư; tăng cường trao đổi thương mại; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn trước mắt và từng bước khôi phục sau đại dịch.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ.

Chính phủ Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư với Trung Quốc và các nước khu vực Nam Á. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua, đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam. Đặc biệt, với các chuyến thăm cấp cao, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Với tỉnh Vân Nam, Phó Thủ tướng nhận định, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư và du lịch giữa Vân Nam và Việt Nam còn nhiều triển vọng, dư địa để phát triển, đặc biệt là việc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản có chất lượng cao từ Việt Nam, hợp tác về gia công chế biến tại chỗ... Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng trân trọng đề nghị Chính phủ Trung Quốc và Chính quyền tỉnh Vân Nam tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác toàn diện, kết nối sâu rộng về kinh tế thương mại, du lịch giữa tỉnh Vân Nam và các địa phương Việt Nam.

Nằm trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động, Việt Nam có các lợi thế cạnh tranh nổi trội, hội tụ các điều kiện trở thành bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới và là điểm đến tiềm năng trong quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tại Lễ Khai mạc Hội chợ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị: Cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Hội chợ Trung Quốc – Nam Á, làm phong phú và đa dạng hơn nữa các hình thức hợp tác trong khuôn khổ Hội chợ.

Chính phủ Trung Quốc và chính quyền tỉnh Vân Nam tiếp tục tạo thuận lợi hóa thương mại, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thông quan. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện thương mại, đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng tin tưởng, Hội chợ sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chủ động tìm kiếm các khả năng hợp tác, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, vượt thách thức để cùng phát triển thịnh vượng.

Phó Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam thăm các gian hàng tại Hội chợ.

Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ có quy mô 150 gian hàng của gần 80 doanh nghiệp đến từ các tỉnh/ thành phố… trưng bày sản phẩm tại Khu gian hàng Việt Nam. Khu gian hàng Việt Nam có quy mô lớn nhất trong các nước ASEAN. Các ngành hàng của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại Hội chợ, gồm: Nông sản, thực phẩm chế biến, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thanh long, sắn lát, sản phẩm được chế biến từ dừa Bến Tre, giầy dép, nước hoa, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ…

Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ diễn ra một số hoạt động bên lề khác: Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Nam Á lần thứ 4; Diễn đàn thương mại Trung Quốc - Nam Á lần thứ 16; Diễn đàn thương mại Trung Quốc - Đông Nam Á lần thứ 5; Diễn đàn tỉnh trưởng các nước hành lang kinh tế khu vực sông Mê Kông (GMS) 2023...

Hội chợ diễn ra từ ngày 16-20/8/2023 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Điền Trì, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam do Chính phủ Trung Quốc giao Bộ Thương mại và Chính quyền Nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc phối hợp tổ chức.

Với chủ đề “Đoàn kết hợp tác, cùng phát triển, Hội chợ năm nay có quy mô 15 khu trưng bày trên diện tích 150.000m2 với khoảng 8.000 gian hàng tiêu chuẩn. Hội chợ thu hút sự tham gia của trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng doanh nghiệp của trên 20 tỉnh/ thành phố của Trung Quốc.

Vân Nam là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nam, Trung Quốc, có diện tích hơn 394 nghìn km2 (chiếm 4,1% diện tích toàn Trung Quốc), dân số 47 triệu người với 26 dân tộc khác nhau.

Tỉnh Vân Nam - cửa ngõ quan trọng khu vực Tây Nam, có vị trí địa lý chính trị quan trọng trong chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Chính phủ Trung Quốc. Có thể nói, Vân Nam là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, là cơ hội để doanh nghiệp Việt không chỉ tiến vào thị trường Vân Nam mà còn tiến sâu vào thị trường Trung Quốc, cũng như tăng cường hợp tác sâu rộng với các quốc gia Nam Á và ASEAN.

6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Vân Nam - Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Vân Nam sang Việt Nam đạt 638 triệu USD, giảm 35,5%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 441 triệu USD, tăng 107,6%. Vân Nam nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là nông sản và quặng kim loại.

Lưu Hiệp

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文