Tiêu chuẩn, tiêu chí các đơn vị hành chính cấp huyện, xã bị sắp xếp và không bắt buộc sắp xếp
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đạt được rất nhiều mục tiêu, trong đó, mục tiêu hướng đến quan trọng nhất là tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Chiều 12/7, tiếp tục phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc với dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Trước khi biểu quyết, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có 11 đại biểu phát biểu ý kiến; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu đã nêu.
Hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không đơn thuần là cắt giảm bao nhiêu biên chế
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đạt được rất nhiều mục tiêu. Trong đó, phải giảm đơn vị hành chính góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, giảm được chi tiêu cho ngân sách; mục tiêu hướng đến quan trọng nhất là tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đồng thời, tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
“Về cơ bản, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đáp ứng được các mục tiêu này. Vấn đề đặt ra là quá trình quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện. Do đó đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ luôn luôn lưu tâm mục tiêu này nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, các tỉnh miền núi với diện tích lớn nhưng dân số lại ít, hay những đơn vị hành chính đô thị diện tích nhỏ nhưng dân số đông để có tính toán kỹ lưỡng” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, việc quan trọng là vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, vừa đảm bảo được khả năng tiếp cận và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, nhất là y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công khác.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.
Các trường hợp đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp
Cụ thể, nghị quyết quy định rõ các trường hợp thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025. Trường hợp đầu tiên là, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Thứ hai là, đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn. Thứ ba là, đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.
3 trường hợp thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 – 2030, đó là đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.
Các đơn vị hành chính không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích thực hiện sắp xếp để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính do biến động về địa chất, địa hình hoặc do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Một trong những nguyên tắc khi sắp xếp là chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, ANTT, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.
Những đơn vị hành chính không bắt buộc sắp xếp
Nghị quyết cũng nêu rõ các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính. Đó là có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội
Ngoài ra còn có đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn. Trong giai đoạn 2023 - 2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Trong giai đoạn 2026 - 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 – 2025…