Tìm giải pháp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam
Sáng 24/2 tại Bình Định, thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.
Theo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn hai năm qua nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc cho chuyển đổi số quốc gia.
Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Thống kê từ tháng 4 đến tháng 9/2021, theo SimilarWeb, lượng truy cập của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%. Thống kê đến tháng 7/2022, sau dịch COVID-19, lượng truy cập vào các báo điện tử đã có xu hướng tăng so với tháng 6/2022.
Có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Vấn đề đặt ra là, nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc nhiều vào quảng cáo thì các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều hơn.
Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 diễn ra ba phiên, nhằm trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; Chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta, ... Từ đó đề xuất được những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giúp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đưa ra một số giải pháp kinh tế báo chí như “chuyển đổi số báo chí” nhằm thay đổi toàn diện hoạt động toà soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hoá dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một toà soạn, tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội; Chuyển đổi số cũng gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hoá nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của các cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới; Vai trò của công nghệ đối với kinh tế báo chí như: thu hút thêm lượt truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác; Đề xuất hợp tác về hạ tầng công nghệ số với cơ quan báo chí; “Cơ chế đặt hàng” báo chí trong việc truyền thông chính sách, đây sẽ là một trong những phương thức thúc đẩy kinh tế báo chí trong thời gian tới, giúp cơ quan báo chí vừa tăng đuợc doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kinh tế báo chí là mối lo hàng ngày nhưng trên không gian truyền thông chưa có nhiều diễn đàn nói về kinh tế báo chí. Mặc dù những nguồn lực khác được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước vẫn phát triển, tuy nhiên, nhiều cơ quan vẫn còn lúng túng trong việc tháo gỡ nó.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 được tổ chức tại tỉnh Bình Định với mục đích sẽ là nơi để giãi bày và chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt để thay đổi những vấn đề về kinh tế báo chí mà nhiều cơ quan đang gặp phải.