Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp
Sáng 10/12, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đã diễn ra Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp với chủ đề: "Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm - Giải pháp và hành động".
Đây là hoạt động đầu tiên thuộc chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.
Sự kiện có sự tham dự của gần 70 Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự mới được bổ nhiệm, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và hơn 120 lãnh đạo, đại diện từ các hiệp hội, tập đoàn và doanh nghiệp trên cả nước. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, đây là sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao xác định một trong các đối tượng phục vụ chính trong công tác ngoại giao là cộng đồng doanh nghiệp. Đại hội Đảng XIII đã xác định “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, chính là đối tượng phục vụ chính trong hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao, các đơn vị của Bộ trong nước và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Sự quan tâm chính của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là nắm bắt thời thế, đón trước cơ hội để thích ứng thành công, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, thế giới đang chuyển dịch, đất nước đang chuyển mình và doanh nghiệp đang thích ứng. Thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi rất căn bản và sâu sắc, đặc biệt là những tác động đa chiều của đại dịch COVID-19, dẫn đến giãn cách xã hội hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, còn có những chuyển dịch, xu hướng đã tồn tại từ trước đại dịch và ngày càng được đẩy nhanh, đó là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, nâng cấp công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch, hiện nay Việt Nam đang chuyển hướng sang giai đoạn bình thường mới, khôi phục sản xuất kinh doanh, thích ứng với dịch bệnh. Vừa qua, các bộ ngành đồng thuận trong thời gian tới bình thường hóa các chuyến bay thương mại quốc tế.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao cũng chia sẻ với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch. Hàng tháng, vẫn có khoảng 10.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, nhưng cũng có gần 10.000 doanh nghiệp khác ra khỏi thị trường, một điều chưa từng có.
Tại Tọa đàm, các đại biểu trao đổi về các xu hướng lớn trên thế giới tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, định hướng, gợi ý với doanh nghiệp để thâm nhập hiệu quả hơn vào thị trường quốc tế, nâng cao giá trị thương hiệu cũng như đề xuất các biện pháp, nhiệm vụ cụ thể để ngành Ngoại giao hỗ trợ, phục vụ thiết thực cho nhu cầu và sự phát triển của các doanh nghiệp.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ, ngoại giao phục vụ doanh nghiệp trở thành trọng tâm cốt lõi trong hoạt động của các CQĐD.
Theo Đại sứ, Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 11 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt trên 90 tỷ USD và cuối năm sẽ cán mốc 100 tỷ. Đáng chú ý, Việt Nam xuất siêu và con số xuất siêu ngày càng tăng.
Chính vì vậy, xuất khẩu sang Mỹ là một cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt Nam, chính sách cơ bản của Mỹ cũng rất mở cửa.
Tuy vậy, các hàng rào kỹ thuật tại thị trường Mỹ cũng được dựng lên ngày càng nhiều, do đó, trong cơ hội luôn tồn tại những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý. Nhất là các mặt hàng tăng nhanh vào thị trường Mỹ sẽ dễ rơi vào “tầm ngắm”.
Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, thị trường Mỹ rất rộng lớn và có nhu cầu thu hút đầu tư. Các sự kiện thu hút đầu tư được thúc đẩy thường xuyên, hiện nay có 200 dự án đầu tư của Việt Nam vào Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp mạnh như Vinfast, An Phát.
Thời gian tới, hai lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thể chú trọng hợp tác với Mỹ là kinh tế số và kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng rất chú trọng 2 lĩnh vực này.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nêu bật một số cơ hội và thách thức với doanh nghiệp. Theo đó, ít nhất trong vài thập niên tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam. Trung Quốc có ưu thế về vị trí địa lý với Việt Nam, có thị trường nội địa rộng lớn cùng sức mạnh kinh tế lớn. Vì thế, thị trường này rất tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, để biến những cơ hội đó thành những hiệu quả đầu tư cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm tìm cách khắc phục một số điểm yếu còn tồn tại. Thứ nhất, theo Đại sứ, đó là phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp.
Thứ hai, dù Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song sau 30 năm, sản phẩm của nước ta xuất khẩu sang thị trường này không có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp sở tại.
Thứ ba, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực này.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đẩy rất mạnh hợp tác ngoài EU. Hiện nay, London thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác.
Với Việt Nam, cơ sở hợp tác vẫn là trên cơ sở FTA với EU (EVFTA). Năm nay, Anh hướng tới tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hướng sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ cho biết thêm, Anh xác định thời kỳ sau đại dịch COVID-19 là cơ hội để tập trung tăng cường hợp tác. Các lĩnh vực mà Anh chú trọng bao gồm: Cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh bền vững, kinh tế số và khoa học kỹ thuật.
Theo Đại sứ, những dự án hợp tác liên quan tới kinh tế xanh sẽ được đẩy lên rất nhanh. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh và tập trung nắm bắt xu hướng này thì sẽ có được cơ hội hợp tác rất lớn với phía bạn.
Bên cạnh đó, London cũng đẩy rất mạnh kinh tế số. Nhiều ngành kinh tế, cơ quan của Anh bắt đầu chuyển sang làm việc ở nhà, tiết kiệm thời gian và hiệu quả công việc cao.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết, Anh đang xây dựng một loạt các công cụ, trong đó, Cơ quan đầu tư quốc tế Anh được tăng cường để hỗ trợ huy động vốn đầu tư; Cơ quan hỗ trợ xuất khẩu được nâng tầm để thúc đẩy xuất khẩu.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho rằng, một xu hướng lớn tại Australia hiện nay là chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa”, đặc biệt là trong hai năm trở lại đây.
Australia đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, mời gọi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới thông qua nhiều chính sách hấp dẫn.
Theo Đại sứ, đây là một trong những điểm doanh nghiệp Việt Nam đã và đang quan tâm, nhưng chủ yếu vẫn nằm ở các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Hòa Phát… Các doanh nghiệp này đã nắm bắt xu hướng và có bước chuyển rất lớn ngay trong thời gian COVID-19.
Đồng thời, hiện có 4 hãng hàng không đang mong muốn mở đường bay trực tiếp tới Australia gồm Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Vietjet và Bamboo Airways…
Có thể thấy, Australia đang hướng tới đa dạng hóa thị trường, thông qua nhiều chính sách vĩ mô và tham gia vào các FTA lớn, sáng kiến về chuỗi cung ứng khu vực, xây dựng một khuôn khổ kinh tế mới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Để tranh thủ những cơ hội này, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng quan hệ, kết nối với đối tác quan trọng của Australia như Hiệp hội kinh doanh Việt Nam – Australia, Hiệp hội doanh nghiệp Australia-Việt Nam, chính quyền địa phương…
Đồng thời, Đại sứ cũng kiến nghị thành lập nhóm tư vấn kinh tế doanh nghiệp có sự góp mặt của các bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam và các CQĐD. Đại sứ cũng đề cập triển khai các chiến lược tăng cường kinh tế Việt Nam-Australia toàn diện, dù là trong kinh tế, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục…