“Toàn bộ quy định về giá đất chưa rõ thì Quốc hội khó mà yên tâm”

13:43 09/06/2023

Các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, giới chuyên gia đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, phân tích, phản biện và góp ý sửa đổi, bổ sung từng điều khoản rất cụ thể, chi tiết dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày  9/6, sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự luật quan trọng này. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đánh giá cao việc vừa qua Chính phủ đã tổ chức rất thành công việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Đáng chú ý, các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, giới chuyên gia đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, phân tích, phản biện và góp ý sửa đổi, bổ sung từng điều khoản rất cụ thể, chi tiết.

Cần quy định nguyên tắc định giá đất

 Phát biểu về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm xử lý trong dự thảo, trong đó có việc phải làm rõ hơn các quy định về tài chính đất đai, đặc biệt là định giá đất và quy hoạch sử dụng đất. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 18 của Trung ương yêu cầu phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng “đọc quy định về giá đất trong dự thảo Luật thì thấy rất khó, Quốc hội không biết thảo luận cái gì vì nội dung chi tiết do Chính phủ quy định”. Đồng thời nhấn mạnh trong tài chính đất đai thì vấn đề khó nhất chính là định giá đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay trong dự thảo luật phải quy định các nguyên tắc xác định giá đất và các phương pháp xác định giá đất để Quốc hội cho ý kiến. Phải tường minh câu chuyện này. Cả Quốc hội cùng bàn thảo, xem xét, quyết định thì sẽ tốt hơn việc chờ Luật Đất đai được ban hành xong Chính phủ mới đi nghiên cứu, xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết.

 “Toàn bộ quy định về định giá đất hiện chưa rõ thế nào thì Quốc hội khó mà yên tâm về vấn đề này được. Chính phủ cứ trình ra, đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không sợ dài, nên quy định thành một chương hoặc ít nhất cũng là một số điều quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất. Trí tuệ của toàn dân đóng góp, Quốc hội đóng góp chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thiện được quy định này hơn là sau này Chính phủ sẽ rất vất vả để xây dựng được Nghị định này" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng nói về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc định giá như thế nào cho phù hợp thì là vấn đề khó. Cần có công cụ của Nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất để triển khai các dự án. “Cái này là khó. Không lượng hoá ra được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến sai” – Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.

Tái định cư phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội

Phát biểu về vấn đề thu hồi đất và tái định cư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là nội dung được người dân và cử tri quan tâm nhiều. “Quan điểm của Đảng rất rõ: Khi thu hồi đất, thực hiện tái định cư thì làm sao người dân nhường đất chuyển đi nơi khác được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ. “Bằng” hoặc “hơn” thế nào thì luật cần lượng hoá. Điều kiện của từng khu vực, từng địa phương có khác nhau nên phải phân cấp để chủ động” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đánh giá cao quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Dương Bình Phú (đoàn Phú Yên) cho rằng, "quy định này khá hợp lý và sát thực tiễn". Dự thảo luật quy định nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi, đồng thời đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18  của Trung ương. Đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần tiếp tục thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và cần được thực hiện một cách công khai, có giám sát, đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi.

Đại biểu Dương Bình Phú (đoàn Phú Yên) phát biểu tại tổ.

Cùng với đó, việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra tranh chấp dai dẳng, kéo dài, dễ trở thành "điểm nóng" cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.

Lập lại trật tự trong quy hoạch đất đai

Về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là lĩnh vực phát sinh nhiều sai phạm vừa qua và nêu thực tế, nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ những thay đổi bất thình lình trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp. "Hôm nay bảo đất nông nghiệp, mai mốt lại bảo điều chỉnh thành đất ở, sản xuất, đất công nghiệp... Rủi ro lớn nhất của đầu tư vào nông nghiệp chính là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu không quy định kỹ thì rất khó vận hành, mà vận hành rồi cũng khó tránh khỏi vi phạm trong khi việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất khó tránh khỏi trong thực tế vì đây là nhu cầu tất yếu của thực tiễn phát triển" - Chủ tịch Quốc hội nhận định. 

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải quy định rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp có lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Dự thảo Luật phải bổ sung quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tương thích với nội dung nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi quy hoạch, kế hoạch tuỳ tiện; bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cán nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. “Có như vậy mới đủ sức răn đe và lập lại trật tự trong lĩnh vực này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Mạnh dạnh phân cấp, phân quyền

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quan tâm đến công tác phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai, đồng thời cho rằng,cần rà soát lại các quy định liên quan phân cấp, phân quyền, bởi thực tế đang rất vướng,  qua quy trình nhiều bước nên mất rất nhiêu thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội.

“Phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới làm được. Việc này phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của đơn vị được phân cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát có khi lại đi chệch hướng, không đi đúng mục tiêu” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng một số tỉnh, thành khi được xem xét cơ chế, chính sách đặc thù đều đề xuất việc phân cấp, chứng tỏ đây là vướng mắc từ thực tiễn chứ không còn là cơ chế ưu đãi; đồng đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ phân cấp, phân quyền, tất nhiên đến mức độ nào phù hợp với trình độ quản lý ở mỗi cấp. “Ta phải tin tưởng chứ, vì có tổ chức Đảng lãnh đạo, có cơ quan Nhà nước, có các đoàn thể… làm công tác kiểm tra, giám sát. Rà soát phân cấp phân quyền xem dự thảo luật thiết kế được chưa” – Thủ tướng nêu ý kiến và cho rằng, cần giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm đi lại và những chi phí không cần thiết cho người dân. Việc kéo dài làm mất chi phí, mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp. Do đó cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.  

Phương Thuỷ

Các nguồn thạo tin ngày 24/12 cho hay, thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều đợt phản công lớn tại Kursk. Cường độ các cuộc tấn công cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimỉr Putin nhằm loại bỏ con bài mặc cả của Ukraine trong bối cảnh sức ép đàm phán gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025.

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文