Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nguyên khí quốc gia thịnh thì đất nước mạnh

13:20 24/03/2023

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài"; "Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc...".

Sáng 24/3 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu tại lễ kỉ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng

Cùng dự có các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Trí Dũng

Cách đây 40 năm, ngày 26/3/1983, tại Thủ đô Hà Nội, 15 tổ chức hội thuộc các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đại hội đã bầu Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch.

Việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp, đoàn kết, điều hoà, phối hợp các hoạt động phong phú, đa dạng; để nói tiếng nói thống nhất, đề đạt nguyện vọng và ý kiến chung của giới trí thức đối với Đảng và Nhà nước.

Đến nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có tới 156 hội thành viên, gần 600 tổ chức khoa học và công nghệ, hình thành một mạng lưới các tổ chức thành viên và trực thuộc rộng khắp cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực; tập hợp, thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Trí Dũng

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trải qua quá trình lịch sử lâu dài của Dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cũng chính vì vậy mà cha ông ta đã luôn luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức.

"Hơn 500 năm về trước, đông các Đại học sĩ Triều Lê Thân Nhân Trung vâng mệnh của vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử Giám, trong đó đã khẳng định vai trò đặc biệt cao cả và quan trọng của nhân tài trong công cuộc làm hưng thịnh cho Đất nước: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì Đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp". Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức của nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài"; "Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc...", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VOV.

Tổng Bí thư nêu rõ, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX đã có tác động to lớn đối với việc giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra một không khí cởi mở và thổi một luồng sinh khí mới vào các hoạt động của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các hội khoa học và công nghệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng

Theo Tổng Bí thư, nhờ tích cực tham gia xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động, tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân và Đất nước. Trong đội ngũ đó, có rất nhiều tấm gương sáng, có nhiều đóng góp lớn lao cho Đất nước và Dân tộc, như: Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Trần Đại Nghĩa; Giáo sư Tôn Thất Tùng; Giáo sư Tạ Quang Bửu; Giáo sư Hà Học Trạc; Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng

Khẳng định trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam cần tiếp tục chủ động và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: "Tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức nước ta không ngừng lớn mạnh, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập; có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan gian trưng bày sách tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng

Đặc biệt, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cùng với các tổ chức hội thành viên phải nâng cao tính chủ động, năng động, sáng tạo; có nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú gắn với chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, khu vực và cả nước, thu hút ngày càng đông các hội viên tham gia, động viên anh chị em có nhiều đóng góp tâm sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc sự bình yên của nước nhà".

Theo VOV

100 sinh viên Học viện CSND đến hiến máu trong lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ 17 - năm 2025. Chủ nhật Đỏ đã thu được hơn 400 nghìn đơn vị máu, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho hàng trăm nghìn người bệnh trong suốt 16 năm qua.

Sáng 29/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (SN 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (SN 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện “lương, thưởng Tết cuối năm” luôn là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm. Dù việc thưởng Tết không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với nơi làm việc.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 161/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ. Nghị định sẽ có hiệu lực chính thức từ 1/1/2025.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có yêu cầu các đơn vị trong Bộ có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học tại Việt Nam, đồng thời Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng sinh học đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại buổi làm việc với PV Báo CAND ngay khi chúng tôi đề cập đến nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật tại dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh, ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng) đã cho biết như thế. “Với tư cách là Bí thư Huyện ủy, tôi sẽ chủ trì họp ngay để kiểm tra việc thực hiện các nội dung kiến nghị theo kết luận thanh tra, mời lãnh đạo và Thanh tra Sở TN&MT, UBND huyện cùng cơ quan chức năng để tiếp tục thống nhất giải pháp trước những việc còn tồn đọng. Khó mấy cũng phải làm; quyền lợi chính đáng của người dân thì phải đảm bảo”, ông Hùng bộc bạch quan điểm khi đề cập đến việc khắc phục hậu quả do sai phạm khi thực hiện dự án vừa kể.

Đây là một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số - một dự luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn là 2 "chìa khóa" quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文