Tranh luận về biên chế, giáo dục, cơ chế đặc thù…trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7,Quốc hội khoá XV, chiều 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận Luật Thủ đô (sửa đổi).
Không tổ chức HĐND tại các phường ở TP Hà Nội
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 7 chương, 54 điều. Trong đó, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội xác định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo đó, không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc TP Hà Nội.
Về cơ cấu tổ chức của HĐND TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND TP Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố nhằm bảo đảm cho chính quyền các cấp đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn tăng thêm.
Đối với các nội dung phân quyền cho TP Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của đất nước.
Cho phép HĐND TP Hà Nội xác định số lượng biên chế
Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, dự thảo luật cho phép HĐND TP Hà Nội xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời, thực hiện chế độ cán bộ, công chức thống nhất ở cả cấp xã, cấp huyện và thành phố; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc TP Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao hay tập trung giáo dục đại trà?
Một vấn đề đươc nhiều đại biểu quan tâm đó là phát triển giáo dục ở Thủ đô. Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, khoản 2 Điều 2 dự thảo luật cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội. Theo đại biểu, Thủ đô là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, quy tụ nguồn lực nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã giao Thủ đô Hà Nội phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
“Chính vì vậy, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ này. Cần coi trọng việc cho phép Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao, coi đây là trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước” – đại biểu Trần Thị Vân nêu quan điểm.
Nhất trí với quy định cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị cần có định nghĩa về “chất lượng cao” bảo đảm xác định rõ; cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học…; đề nghị có sự rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các từ ngữ, thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo luật được chính xác, nhất quán; xác định rõ ưu đãi quy định tại điều 43 đối với cơ sở giáo dục nhiều cấp học phải là cơ sở giáo dục nhiều cấp học chất lượng cao
Có ý kiến khác với các đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng, dự thảo luật đã đưa ra mô hình chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục, trong đó, có cơ sở giáo dục chất lượng cao; chưa làm rõ tiêu chí được công nhận chất lượng cao. Đại biểu cho biết, báo cáo thẩm tra Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng, báo cáo tổng kết thi hành luật chưa đánh giá sâu về những kết quả, tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định về trường chất lượng cao. Về chất lượng dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn Thủ đô, báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến các chính sách phát triển các trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học.
Đại biểu nêu thực tiễn, Hà Nội nhiều năm qua, nhiều cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hoá nhanh, có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/ lớp. Nghĩa là Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà. Chính sách đặc thù khi đầu tư, nhân rộng xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao trong triển khai, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao; cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, trong lành; hạnh phúc, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập. Song song với đó, đề nghị Hà Nội tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan toả cho giáo dục phổ thông cả nước; và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dưng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyên vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.
Tăng cường bảo đảm ANTT, PCCC, bảo vệ môi trường ở Thủ đô
Góp ý về bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho rằng, vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường Thủ đô.
Về vùng phát thải thấp quy định tại điều 3 và điều 28, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định về vùng phát thải thấp tại khoản 6 điều 3 và tiêu chuẩn môi trường tại khoản 3 điều 28 không đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường, do đó, đề nghị trong trường hợp vẫn quy định như dự thảo luật cần có báo cáo về cơ sở khoa học xác định thế nào là mức phát thải thấp để đảm bảo tính khả thi trong quy định này. Đại biểu đề nghị, cần có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành đó là phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân luồng môi trường.
Quan tâm đến biện pháp đảm bảo ANTT, đại biểu Tô Văn Tám cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá, tập trung đông dân cư, lượng khách du lịch lớn nên yêu cầu về ANTT rất cao, nhất là các vấn đề về PCCC, xây dựng công trình trái phép. Qua những vấn đề liên quan tới an ninh, trật tự xã hội tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 33 phù hợp với vấn đề trật tự, an toàn xã hội. Do đó, việc giới hạn trong dự thảo Luật hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 2013.