Trên 50% tín nhiệm thấp mà không từ chức thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu

18:04 30/05/2023

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai nấc khác nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm. Khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu trường hợp trên 50% phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì khuyến khích xin từ chức, nếu họ không từ chức thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, vấn đề căn cứ lấy phiếu tín nhiệm trên thực tiễn rất khó. "Các ĐBQH rất băn khoăn mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, căn cứ để lấy phiếu là gì? Nếu chỉ theo dõi thông tin trên báo chí thì không đủ, căn cứ vào báo cáo của từng chức danh thì không có, vì luật và nghị quyết này cũng không quy định phải báo cáo. Trước mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm cũng không có báo cáo của các chức danh... Vậy căn cứ vào đâu để chúng ta lấy phiếu tín nhiệm?", ông băn khoăn.

Nêu giả thiết trước khi được bầu hoặc phê chuẩn mà các chức danh này có chương trình hành động thì đấy được coi như "khế ước" thực hiện chức năng, nhiệm vụ, khi đó các ĐBQH sẽ có căn cứ, "soi" vào đó để xem xét, kiểm đếm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh đó. Đằng này, vì không có "khế ước" gì nên các ĐBQH khó có căn cứ để đong đếm, định lượng được đâu là người làm được việc, đâu là người không làm được việc.

ĐBQH Lê Thanh Vân thảo luận tại tổ.

"Ngay cả dự thảo nghị quyết cũng không khắc phục vấn đề này, đó là không quy định yêu cầu phải có báo cáo công tác, báo cáo kết quả hoạt động... Theo tôi, phải có quy định làm căn cứ, dự thảo nghị quyết nên quy định về vấn đề này để làm căn cứ cho ĐBQH trong việc lấy phiếu tín nhiệm", đại biểu đề nghị.

Theo ĐBQH Hà Phước Thắng (TP Hồ Chí Minh), việc lấy phiếu tín nhiệm nên căn cứ vào năng lực về chuyên môn của người lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, cần quy định thời gian công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, chậm nhất 3 ngày sau khi có nghị quyết xác định kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, phải có điều, khoản nào đó trong dự thảo nghị quyết ghi rõ vấn đề này. Ví dụ, sau khi Ban kiểm phiếu có kết quả, nếu ai có phiếu tín nhiệm thấp từ 50% trở lên thì trình luôn, lập tức triển khai thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, chứ không quy định chung chung được. Như vậy mới khẳng định được bản chất và ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) kiến nghị lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong vòng 5 năm. Lần đầu là sau 2 năm được bổ nhiệm, giúp rà soát, xem xét năng lực cán bộ đó ở vị trí được bầu, bổ nhiệm, đồng thời một trong những kênh để rà soát, quy hoạch cho nhiệm kỳ sau. "Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai là 4 năm sau khi giữ chức, xem xét cho nhiệm kỳ mới. Bởi lẽ, sau 4 năm, cán bộ nào làm tốt chúng ta đều biết cả rồi, đồng thời cũng là kênh để rà soát, bổ sung, quy hoạch và loại bỏ quy hoạch những cán bộ không được tín nhiệm", đại biểu đề xuất.

ĐBQH Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại tổ.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận cũng đề xuất chỉ có 2 mức tín nhiệm là "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm thấp". Khi lấy phiếu tín nhiệm, đối với những người có số phiếu "tín nhiệm thấp" trên 50% thì sẽ xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Qua mỗi nhiệm kỳ, ai có "tín nhiệm thấp", "không được tín nhiệm", lúc bỏ phiếu sẽ có 2 mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Ai có số phiếu "không tín nhiệm" trên 50% hoặc trên 75% thì sẽ tiến hành "cho thôi chức", đồng thời loại ra khỏi quy hoạch nhiệm kỳ tới.

ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình), Trưởng Ban Công tác đại biểu, đại diện Cơ quan soạn thảo dự thảo nghị quyết cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai nấc khác nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm. Khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu trường hợp trên 50% phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì khuyến khích xin từ chức, nếu họ không từ chức thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm.

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh cho hay, chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định số 96. "Ban đầu, Ban soạn thảo thiết kế thời hạn là 3 tháng, nhưng quá trình lấy ý kiến, đa số đều cho rằng như vậy là quá ngắn và cho rằng 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, Ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo nghị quyết", Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu.

An Quỳnh

Trong khi khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng bị hàng trăm hộ dân kéo tới lấn chiếm, trồng hoa màu, xây dựng nhiều công trình kiên cố thì công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite tại huyện Bảo Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, một phần vì thiếu đất bố trí tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất. 

Do thiếu nguồn cung đất san lấp nên nhiều công trình, dự án tại Quảng Nam đang gặp khó khăn, thậm chí là trễ tiến độ. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nhanh chóng tháo gỡ bài toán nguồn cung đất san lấp phục vụ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, cả nước xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc tập thể với hơn 1.000 người phải nhập viện. Các vụ ngộ độc này chủ yếu xảy ra sau khi sử dụng thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Theo Bộ Y tế, trong quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 673 người mắc và 6 người tử vong,

Nền nhiệt tại miền Bắc có xu hướng tăng trở lại trong ngày hôm nay, trời nắng về trưa chiều, chiều tối có khả năng mưa dông. Khu vực Nam Bộ nắng nóng, nhiệt độ ở hầu khắp các khu vực đều ở mức từ 35 - 36 độ C.

Sau 3 lần tiếp cận Mano Polking, CLB Bóng đá Công an Hà Nội (CAHN) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận bổ nhiệm HLV này. Chiến lược gia 48 tuổi người Brazil có những phẩm chất đặc biệt để trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho đội bóng ngành Công an.

Ngày 16/5, tin từ Phú Thọ cho biết, ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Việt Trì (Phú Thọ) vừa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ đối với ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia, nghi phạm ám sát Thủ tướng Robert Fico được xác định là Juraj Cintula. Người này từng là nhân viên an ninh và là người sáng lập một câu lạc bộ văn học tại miền Trung nước này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文