Vẫn còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất ở TP Hồ Chí Minh
Năm 2019, Ban thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 24 về kiểm kê, rà soát quỹ nhà đất công và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, cơ quan Thanh tra các cấp ở TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều vụ thanh tra việc chấp hành quản lý, sử dụng tài sản công và phát hiện khá nhiều sai phạm…
UBND phường 5, quận 8 quản lý 14 nhà, đất công sản, trong đó có 8 nhà, đất sử dụng đúng mục đích, công năng; 5 nhà, đất sử dụng đúng mục đích, công năng nhưng có diện tích sử dụng thực tế không phù hợp với hồ sơ quản lý; trong đó có 1 nhà, đất tại trụ sở Khu phố 4 bị người dân chiếm dụng, xây nhà trên một phần đất của trụ sở nhưng không xử lý và báo cáo UBND quận 8. Riêng nhà đất cạnh số 877 Tạ Quang Bửu không đưa vào khai thác, sử dụng. Cũng trên địa bàn phường này có 30 khu đất công, trong đó có 21 khu đất đang bị chiếm dụng tại thời điểm kiểm tra nhưng UBND phường 5 không xử lý và báo cáo về UBND quận 8.
Tương tự, tại phường 15 (quận 8) có 12 nhà, đất công sản thì trong đó có 7 địa chỉ sử dụng đúng mục đích, công năng nhưng diện tích không khớp với hồ sơ quản lý nhưng UBND phường 15 không báo cáo kê khai tài sản. Ngoài ra còn có nhà địa chỉ số 122 Mễ Cốc được UBND phường 15 bố trí sử dụng nhưng không lập hồ sơ quản lý. Trên địa bàn này cũng có 20 khu đất công, trong đó có 3 khu đất đang bị chiếm dụng nhưng UBND phường 15 không xử lý.
Quận Bình Tân có 488 địa chỉ nhà, đất công. Qua thanh tra phát hiện, có 40 đơn vị sự nghiệp công lập và 2 địa chỉ của Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao quận sử dụng nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án. Quận dừng cho thuê đối với 4 mặt bằng tại các phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa B và phường An Lạc nhưng chưa báo cáo và chưa được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận. Ngoài ra quận Bình Tân đã áp dụng đơn giá cho thuê chưa phù hợp với quy định hiện hành. Có 10 địa chỉ chưa sử dụng hết công năng, giảm hiệu quả khai thác tài sản, không đảm bảo vệ sinh môi trường: 6 địa chỉ để trống, 3 địa chỉ sử dụng để làm kho, 1 địa chỉ người dân làm nhà tạm cư.
Tại quận Bình Thạnh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh không có phương án khai thác đối với các nhà, đất được giao quản lý, vào thời điểm thanh tra có 26/27 căn nhà để trống, gây lãng phí lớn; có 1 trường hợp đã hết hạn hợp đồng thuê từ năm 2018 nhưng đến nay chưa thu hồi. Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thạnh, Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh, Trung tâm văn hóa quận Bình Thạnh, Nhà thiếu nhi quận Bình Thạnh sử dụng một phần nhà đất để cho thuê mặt bằng kinh doanh, liên kết đào tạo, làm căn tin, bãi giữ xe nhưng chưa thực hiện thủ tục thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Có 2 trường hợp bán nhà thuộc sở hữu nhà nước chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định; có 4 trường hợp tổ chức bán đấu giá nhà thuộc sở hữu nhà nước có dấu thiệu thông đồng giữa những người mua đấu giá….
Tại huyện Nhà Bè, khu đất tại số 189 đường Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới do Trung tâm dạy nghề huyện Nhà Bè quản lý, đơn vị này liên kết với Trung tâm Dạy nghề tư thục Thành Công nhưng chưa gửi phương án liên kết đến Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh để thẩm định và trình UBND TP Hồ Chí Minh thẩm duyệt. Đối với khu đất có diện tích 23.266m2 tại xã Nhơn Đức, UBND huyện Nhà Bè cho Công ty Đông Mê Kông sử dụng tạm trong thời gian khoảng 36 tháng (kể từ ngày 18/1/2016 đến 11/1/2019), nhưng không xin ý kiến và chưa chấp hành chỉ đạo của UBND thành phố, chưa có biện pháp tích cực, cương quyết để yêu cầu Công ty Đông Mê Kông bàn giao 2,3ha khi đã hết thời gian tạm sử dụng….
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm tháng 2/2024, quỹ nhà đất công thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ có 9.295 địa chỉ, trong đó cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp quản lý 7.297 địa chỉ, khối doanh nghiệp quản lý 1.998 địa chỉ. Đối với quỹ nhà, đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2019/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố có 7.921 căn nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước và 9.683 hộ do các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện, TP Thủ Đức và Công TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố quản lý, giữ hộ. Ngoài ra, còn có 2.380 nhà, đất với tổng diện tích khoảng 530,4ha thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý (đất trống, đất dôi dư sau bồi thường, giải tỏa của các dự án) nhưng chưa kê khai, xác lập quản lý nhà nước.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 24, công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nhà đất và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế và đạt được kết quả đáng ghi nhận Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm kê cũng cho thấy các công tác quản lý, vận hành của các công ty dịch vụ công ích các quận, huyện đối với quỹ nhà đất được giao quản lý còn thiếu chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát; Công an quản lý nhà đất còn chồng chéo, chưa thống nhất và đồng bộ…