Vị Giáo sư người Trung Quốc nhiều năm là phiên dịch của Bác Hồ

08:01 09/12/2023

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Trung Quốc đã dành cho nhân dân ta sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả. Nhiều người con ưu tú của Trung Quốc đã sát cánh chiến đấu cùng Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 12-13/12/2023), ông Trần Kiến Quốc, cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, thứ nam của cố Thiếu tướng Trần Tử Bình - người từng giữ cương vị Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc đã có bài viết về một người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Văn Trang là người dân tộc Bạch ở Vân Nam (Trung Quốc), sinh năm 1922. Khi đang là sinh viên tiếng Anh của Đại học Tổng hợp Vân Nam, Văn Trang gặp cô nữ sinh Diệp Tinh (sinh viên Khoa Văn), họ yêu nhau rồi cùng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những năm 1947-1948, lực lượng Tưởng Giới Thạch ở Vân Nam còn mạnh, đã khủng bố, thẳng tay đàn áp những người cộng sản nên ông bà phải dạt sang Việt Nam.

Hồ Chủ tịch và Mao Chủ tịch ở Hàng Châu năm 1966. Ông Văn Trang đi phía sau, bên tay phải Bác Hồ. Ảnh tư liệu.

Trở thành đảng viên Cộng sản Việt Nam

Đầu năm 1949, ông bà Văn Trang - Diệp Tinh theo dòng sông Hồng xuôi về Phú Thọ thì gặp đồng chí Nguyễn Chanh - Bí thư Việt Minh huyện Hạ Hoà (sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương). Thấy họ là người có trình độ, rất cần cho cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Chanh giới thiệu với đồng chí Lý Ban (phụ trách Vụ Hoa vận của Đảng). Ông Văn Trang được giao về bộ phận thu thập và xử tin tức qua đài phát thanh tiếng Hoa, tiếng Anh để nắm tình hình thế giới. Nhờ có khả năng làm công tác văn hoá tuyên truyền, bà Diệp Tinh tham gia xây dựng Đội văn nghệ tuyên truyền người Hoa và đi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội.

Vốn năng khiếu ngoại ngữ, Văn Trang học tiếng Việt rất nhanh. Cùng nhiệm vụ chính, ông còn dạy tiếng Hoa cho cán bộ Việt Nam chuẩn bị du học ở Trung Quốc. Vì cùng công tác ở Bộ Tổng Tư lệnh với đồng chí Lý Ban mà cha mẹ tôi thân tình với ông bà Văn Trang từ đó.

Nhân dịp 19/5/1949, ông được cùng đại diện Mặt trận Liên Việt, thay mặt cán bộ Vụ Hoa vận đến chúc thọ Bác. Ngày 1/10/1949, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa. Ngày 18/1/1950, Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo đề nghị của Trung ương Đảng ta, Trung Quốc cử đồng chí La Quý Ba làm Trưởng đoàn cố vấn Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam. Nhiều cán bộ người Hoa được gọi về Đoàn cố vấn, trong đó có ông bà Văn Trang.

Trên chuyến tàu dọc sông Ly về Dương Sóc, Bác Hồ phóng bút viết chữ thảo về Quế Lâm, Dương Sóc. Bên cạnh là Đại sứ Trung Quốc Hà Vỹ, Thượng tướng Vi Quốc Thanh và ông Văn Trang (đứng). Ảnh tư liệu.

Trên cương vị Tổ trưởng Tổ phiên dịch của Đoàn cố vấn, ông Văn Trang phiên dịch các buổi làm việc của Bác và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp với cố vấn La Quý Ba từ 1950 đến 1955. Tháng 10/1953, ghi nhận đóng góp của Đoàn cố vấn với công cuộc kháng chiến, Chính phủ Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến cho các thành viên, trong đó có ông Văn Trang. Với sự nỗ lực và cống hiến, ông bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau ngày 7/5/1954, Hội nghị bàn về Kết thúc chiến tranh Đông Dương diễn ra ở Genevè, Thụy Sĩ. Trong Đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, có ông Văn Trang mang hộ chiếu Việt Nam với cái tên Trần Văn Hoà - cán bộ phiên dịch Anh, Hoa. Sau đợt công tác đặc biệt này, ông Văn Trang được tặng chiếc đồng hồ Vicklé, trên mặt có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là kỉ vật vô giá của gia đình!

Những kỉ niệm với Bác Hồ

Năm 1954, ông bà làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc đóng ở Thái Nguyên, tới đầu 1955 chuyển về Hà Nội. Bà Diệp Tinh là Trưởng phân xã Tân Hoa tại Hà Nội; còn ông Văn Trang có nhiều lần phiên dịch cho Bác với các vị lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc: Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Trần Nghị…

Bác Hồ mời cơm cán bộ Trung Quốc ở Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống  Pháp. Bà Diệp Tinh ngồi bên phải Bác.

Ông Văn Trang nhớ lại: "Năm 1958, nghe tin vợ tôi sinh cháu thứ 2, Bác đã cho mời Đại sứ La Quý Ba và gia đình tôi vào Phủ Chủ tịch ăn cơm tối. Trước bữa cơm, Bác đề nghị được xem mặt cháu bé rồi hỏi:

- Cô chú đã đặt tên cho cháu chưa?

- Dạ, chưa ạ. - Vợ tôi thưa.

- Thế thì Bác xin phép được đặt tên cho cháu nhé!

Vừa nghe, 2 chúng tôi cùng xúc động: "Thế thì hạnh phúc quá!". Người nói tiếp: "Bác còn nhớ, cháu đầu sinh ở Việt Bắc, cô chú đặt tên là Việt Cường. Nay, cháu thứ 2 Bác đặt tên là Việt Dũng. Cô chú có đồng ý không?". Và thế là cháu thứ 2 của chúng tôi có tên do Bác đặt - Việt Dũng". Sau hơn chục năm công tác tại Việt Nam, năm 1960, ông bà Văn Trang về Trung Quốc, làm việc ở Bộ Ngoại giao. Trong những chuyến thăm Trung Quốc của Bác, ông đều được cử đi phiên dịch.

Tháng 5/1961, Bác có chuyến thăm lại Quế Lâm, nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó thời kì Người làm việc tại Văn phòng Bát Lộ Quân (1938 - 1940), trong vai thiếu tá Hồ Quang. Ông Văn Trang được tháp tùng chuyến đi này. Ông đưa Bác vào thăm hang động ở công viên Thất Tinh rồi đưa Bác về thôn Lộ Mạc thăm hỏi bà con địa phương nơi Người đã tá túc hơn 20 năm trước. Qua chuyến đi, ông Văn Trang cảm nhận được tình cảm chân thành, gắn bó của Bác với Quế Lâm… Theo dòng Ly Giang trên con tầu xuôi về Dương Sóc, Bác đã lấy giấy dó và mực Tàu ra viết mấy chữ Thảo: "Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ/ Dương Sóc phong cảnh nhất Quế Lâm".

Dũng cảm bảo vệ sự thật lịch sử

Sau Cách mạng Văn hoá, ông Văn Trang về giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Bắc Kinh và trở thành vị giáo sư khả kính.

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004), tại Bắc Kinh tổ chức hội thảo quốc tế về sự kiện này. GS Văn Trang là khách mời. Trong hội thảo, nhiều học giả trẻ đã đưa ra luận cứ "Phương án "đánh chắc, tiến chắc" là của các cố vấn Trung Quốc vạch ra cho Việt Nam".

Là nhân chứng của sự kiện, GS Văn Trang đứng lên khẳng định: "Ban đầu, cố vấn Trung Quốc đưa ra phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" áp dụng cho mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng sau khi dày công điều nghiên sự bố phòng của Pháp ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã phát hiện: nếu đánh theo phương án này sẽ tổn thất vô cùng lớn. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày Phương án "đánh chắc, tiến chắc" trong cuộc họp quyết định với Tổng cố vấn mà tôi là người tham gia phiên dịch".

(Chuyện này, anh em tôi được nghe chính Đại tá Hoàng Minh Phương - Tổ trưởng Tổ phiên dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là khách mời và là báo cáo viên trong hội thảo - kể lại).

Vợ chồng GS Văn Trang - Diệp Tinh. (Ảnh tặng gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình năm 1960).                      Ảnh tư liệu

Những cuộc gặp gỡ nghĩa tình

Cuối năm 2007, bốn anh em trong gia đình tôi có chuyến du lịch Bắc Kinh. Chúng tôi đã đến thăm ông Lương Phong và ông Văn Trang - 2 người từng được phiên dịch cho Bác cùng chị Cao Đức Khả (nguyên Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh).

Trong bữa cơm thân tình, ông Văn Trang nhắc lại nhiều kỉ niệm với gia đình: "Cuối năm 1950, theo thoả thuận của 2 chính phủ, Trường Lục quân Việt Nam (do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng là hiệu trưởng và cha các cháu - Thiếu tướng Trần Tử Bình là chính uỷ) được chuyển sang Côn Minh, Vân Nam để đảm bảo an toàn trong huấn luyện. Trước đó, nhà trường bị máy bay Pháp phát hiện và nhiều lần ném bom xuống đội hình.

Vì là dân bản địa thông thổ địa hình Vân Nam, cô chú được giao nhiệm vụ đi theo giúp nhà trường. Khi đó em Việt Cường còn bé, mới hơn 1 tuổi, cũng tham gia hành quân trong đội hình Hiệu bộ, được cô địu sau lưng. Bộ đội Việt Nam có gì, cô chú ăn nấy; ngày đi đêm nghỉ, toàn bằng chân và sức người. Thấy em Cường còn bé quá, cha các cháu đã nhường con ngựa riêng cho cô và em sử dụng. Cô chú cứ nhớ mãi, không quên ơn này!

Sau hoà bình, khi đã về Hà Nội, sứ quán Trung Quốc gần nhà các cháu ở đường Hoàng Diệu. Cô chú hay qua chơi và cũng muốn tìm hiểu xem đời sống của cán bộ cao cấp Việt Nam ra sao, vì bên Trung Quốc tiêu chuẩn cho cán bộ cấp tướng là cao sang lắm. Được cha cháu dẫn đi xem nơi ăn chốn ở, thấy giản dị quá, chú đã ngạc nhiên thì nghe ông trả lời: "Ngày xưa ăn rừng ở rú, bị bắt bị tù đày rồi chui cống thoát ngục Hoả Lò; trong kháng chiến thì sống ở trên rừng chiến khu, ở mãi quen rồi; nay về Hà Nội chỉ cần ngả được lưng xuống sàn nhà, chả cần chăn đệm, cứ có được một giấc ngủ bình yên là quý lắm rồi, cần gì hơn!".

Trước khi chia tay, ông tặng chúng tôi bức ảnh "Bác Hồ mời cơm với cán bộ Trung Quốc ở Việt Bắc", ngồi ngay bên tay trái Bác là bà Diệp Tinh. Thật tiếc không còn được gặp bà Diệp Tinh vì bà đã mất đầu năm đó!

Năm 2008, Hội Hữu nghị Việt Trung mời nhiều cán bộ Trung Quốc từng chiến đấu ở Việt Nam du lịch xuyên Việt. Tại Hà Nội, ông Lương Phong và ông Văn Trang được đến thăm Võ Đại tướng. Ông Văn Trang bồi hồi nhớ lại: "Hạnh phúc vô cùng khi được gặp lại những người bạn chiến đấu của một thời. Là Đại tướng mà anh Văn thật giản dị, đặc biệt anh vẫn nhớ những ngày gian khó trong chiến tranh và những lần gặp gỡ trong hoà bình". Trong chuyến đi, 2 ông cùng đoàn còn được qua Nghệ An, vào thăm quê hương Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ kính yêu mà họ từng nhiều năm được phục vụ.

Khi vào tới TP Hồ Chí Minh, 2 học trò Trung văn của GS Văn Trang - Đại tá Hoàng Minh Phương, Thiếu tướng Nguyễn Minh Long - đã có cuộc đàm đạo thú vị trên con tầu du lịch chạy trên sông Sài Gòn, ngắm nhìn thành phố về đêm. Hai trò chân thành cảm ơn thầy Văn Trang đã dạy những bài học đầu tiên về tiếng Hoa...

Lời kết!

Hè năm 2016, gia đình tôi có chuyến sang Bắc Kinh, định đến thăm GS Văn Trang thì được biết ông đã mất đầu năm ấy. Còn ông Hoàng Minh Phương, Nguyễn Minh Long cũng đã ra đi trước thầy mấy năm.

Bài viết này như một nén tâm nhang kính dâng hương hồn những chiến sĩ cách mạng 2 nước Việt - Trung đã sát cánh bên nhau đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và tình hữu nghị "vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Trần Kiến Quốc

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Sáng 26/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Đội TTGT quận Hai Bà Trưng tuần tra lưu động địa bàn đơn vị quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý xe limousine, xe hợp đồng vi phạm giao thông, dừng đỗ đón trả khách sai quy định gây ảnh hưởng đến TTATGT tại Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文