Vị Xuyên - Chốn linh thiêng trên miền biên ải phía Bắc Tổ quốc
Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên - nơi linh thiêng miền biên ải, trong lòng mỗi người dân đất Việt lại trào dâng ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bờ cõi quốc gia.
Tháng Hai, đất trời biên cương phía Bắc xanh một màu bình yên. Núi đá hùng vỹ trập trùng bất tận theo dáng hình nơi bắt đầu Tổ quốc. Trong hàng ngàn năm lịch sử, biết bao thăng trầm, phong ba, bao lớp người đã sống và chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bất di bất dịch.
Lặng nhìn những nghĩa trang liệt sỹ, đài hương, bia đá khắc ghi tên tuổi những người con của đất nước đã anh dũng hy sunh, mãi mãi nằm xuống, bỗng trào dâng mãnh liệt ý thức chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bờ cõi linh thiêng của Tổ quốc.
Những ngày tháng Hai này, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) lại thoang thoảng hương trầm. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 liệt sỹ từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, giai đoạn từ năm 1979-1989.
Trong số đó có một ngôi mộ tập thể và hàng trăm mộ chưa xác định được thông tin. Tới điểm linh thiêng miền biên viễn có những cựu chiến binh đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha và những đoàn khách từ mọi miền đất nước mong muốn tri ân những người lính đã hy sinh cho Tổ quốc, tưởng nhớ những đồng bào đã ngã xuống bởi đạn pháo quân thù.
Đặt bó hoa tươi thắm, thắp những nén hương thơm lên trước Đài Tổ quốc ghi công, ông Vương Trung Thực, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 5 Vị Xuyên lại hồi nhớ ngày 17/2/1979. Hôm đó, đạn pháo của quân xâm lược dội vào toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam, suốt một dải 1.200km từ Pa Nậm Cúm-Lai Châu đến Pò Hèn-Quảng Ninh.
Mảnh đất Vị Xuyên cũng hứng chịu những đợt pháo kích dữ dội từ bên kia biên giới. Đã có nhiều người dân Vị Xuyên chết bởi đạn pháo quân thù.
"Rạng sáng 17/2/1979, tôi nằm ngủ trong nhà thì nghe thấy tiếng đạn pháo địch bắn vào Vị Xuyên. Chúng bắn cả ngày cả đêm, vô cùng ác liệt. Năm 1984, tôi nhập ngũ chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này," ông Vương Trung Thực nhớ lại.
"Sau khi chịu thương vong nặng nề bởi tinh thần chiến đấu rất cao, quyết liệt của quân dân ta trên toàn tuyến biên giới, ngày 5/3/1979, địch buộc phải rút lui. Nhưng Vị Xuyên lại là nơi đi trước, về sau. Mảnh đất có vị trí chiến lược này đã trở thành trận tuyến nóng bỏng, ác liệt kéo dài duy nhất biên giới phía Bắc trong suốt gần 10 năm sau đó," người cựu chiến binh khẽ nén tiếng thở dài.
Lịch sử mãi khắc ghi, trong một chiến dịch xâm lấn Việt Nam với quy mô lớn nhất từ tháng 4/1984 đến 5/1989, lần lượt hàng chục vạn quân của tám trong 10 đại quân khu từ bên kia biên giới phía Bắc đã tấn công toàn diện tuyến biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên.
Ðể bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, chín sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn đã trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên. Và "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử" đã trở thành phương châm sống, chiến đấu của những người lính Vị Xuyên.
Trên "Đất mẹ" thiêng liêng, quân ta bám trụ từng điểm cao, từng mỏm đá, tấc đất. Có những quả đồi diễn ra hàng chục trận đánh giành đi, giật lại giữa ta và địch. Không một hòn đá, không một mét đất nào ở Vị Xuyên không thấm máu người lính Việt Nam. Quả đồi Đài do đạn pháo dội vào mà bị phạt sâu hơn 1m, trắng xóa như vôi, nên còn có tên gọi là "Lò vôi thế kỷ."
Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống, nhiều người bỏ lại một phần cơ thể nơi rừng sâu núi thẳm.
Biểu tượng hào hùng mà đau thương về tinh thần vệ quốc bất khuất của dân tộc Việt Nam có thể thấy từ Nhà Tưởng niệm tri ân các Anh hùng liệt sỹ của toàn mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang.
Nhà Tưởng niệm nằm nghiêm trang, đẹp đẽ bên vách núi đá dựng đứng ở xã Thanh Thủy. Là Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên ở điểm cao 468. Từ Đền thờ có thể nhìn sang các điểm cao 772, 685 và hướng tầm mắt tới điểm cao 1509, điểm phân giới mốc biên giới Việt-Trung.
Đến nơi linh thiêng miền biên ải đó, trong lòng mỗi người dân đất Việt lại trào dâng ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bờ cõi quốc gia.
Bốn mươi tư năm đã trôi qua kể từ phong ba nơi đôi bờ biên giới. "Ngã ba tử thần" năm xưa thấm trộn máu xương của những người con nước Việt đã anh dũng hy sinh, nay đã trở thành Ngã ba Thanh Thủy thanh bình, với nhịp sống trên đường phát triển.
Gần đó là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Thanh Thủy- nơi sinh sống của bà con dân tộc Tày với bản sắc văn hóa được lưu giữ và bảo tồn. Trong Làng có những Homestay để phục vụ và đón khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm.
Cách không xa Làng Văn hóa là Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy-Thiên Bảo (Tianbao, tỉnh Vân Nam) thông thương với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là nơi dòng Lô giang chảy vào đất Việt, bên dòng sông là mốc 261 phân giới giữa 2 nước Việt – Trung.
Ngay trước Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy có một khóm tre già nhưng xanh mướt và tươi tốt đến lạ. Khóm tre có hơn 50 cây với độ cao vài chục mét, cây nào cũng to khỏe, đầy sức sống.
Gần khóm tre già là cây gạo cổ thụ dáng cao bất khuất với lớp vỏ ngoài mốc meo từng trải, vững chãi mang hình bóng quê hương. Cả cây gạo và khóm tre đều mang bao vết tích của những trận pháo kích, những vết đạn ngang dọc, ăn sâu vào thân.
Theo lời Thượng úy Nguyễn Xuân Đệ, cựu chiến binh Sư đoàn 356, người tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận nóng bỏng Vị Xuyên, thì ròng rã suốt những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc, cây gạo và khóm tre đều hứng chịu bão tố dữ dội từ bên kia biên thùy.
Song thật kỳ lạ là khóm tre vẫn hiên ngang đứng đó mà không hề lay chuyển. Còn cây gạo cao cứ mỗi độ tháng 3 về lại bừng nở sắc đỏ ngập trời. Hoa gạo đỏ thẫm mang vẻ đẹp bình dị, mãnh liệt, gợi nhắc những ký ức từ lâu.
"Đến cây cỏ nơi biên cương Tổ quốc cũng vững chãi, kiên gan"- ý tứ của người cựu chiến binh Vị Xuyên gợi liên tưởng.
Tháng Hai, trời biên cương xanh ngắt một màu. Nhiều câu chuyện đã thuộc về lịch sử. Màu xanh đã phủ lên "Lò vôi thế kỷ" cũng như các quả đồi, cánh rừng, hố đạn nơi biên thùy phía Bắc năm xưa. Nhưng những chứng tích của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn hiện hữu.
Cây gạo cổ thụ, khóm tre già trước Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên; Điểm cao 468; Điểm cao 1509 và đâu đó nơi các thung khe, sườn núi dọc biên giới Hà Giang, hơn bốn mươi năm qua, vẫn còn trên 1.000 hài cốt liệt sỹ chưa tìm thấy, chưa được quy tập…
Những chứng tích hào hùng mà bi thương đó luôn nhắc nhở về chủ quyền biên giới, về cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại; nhắc nhở mỗi người dân nước Việt về: Hòa bình, Độc lập, Tự do, Tự cường!