Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là hoàn toàn phù hợp

11:58 25/10/2023

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Thị Ngọc Dung khẳng định quy định này thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước ta và cũng là cơ sở để người gốc Việt Nam có điều kiện thực hiện được trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống.

Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí

Thảo luận về dự án Luật Căn cước sáng 25/10, đa số ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật và các quy định như dự thảo luật Chính phủ trình. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành cao với tên gọi Luật Căn cước, vì tên gọi này thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật, bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận tại hội trường.

Đại biểu cũng cho rằng, tên gọi thẻ căn cước cũng thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. "Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới", bà lý giải.

Cùng với đó, việc sửa đổi tên thẻ sẽ hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho Hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên là thẻ căn cước công dân (CCCD) thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế.

Đề cập tới Điều 46 dự thảo luật, nữ ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo luật quy định các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Quy định về CCCD, CMND tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của luật này. Việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thêm thủ tục, chi phí đổi thẻ đối với người dân, không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Nội dung thể hiện trên thẻ cải tiến, tạo thuận lợi cho người dân

Bày tỏ thống nhất với dự thảo luật và đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật một cách toàn diện trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước trong dự thảo luật đã có những thay đổi, cải tiến, tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Chẳng hạn như: bỏ vân tay, sửa đổi quy định về thông tin số thẻ, căn cước, dòng chữ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ thẻ căn cước nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... "Việc cải tiến như trên tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước", bà phân tích.

ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung thảo luận tại hội trường.

Đối với việc chỉnh lý thông tin nơi thường trú in trên thẻ CCCD thành nơi cư trú in trên thẻ căn cước, theo ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung là phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước, đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Từ các quy định của dự thảo luật, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cũng cho rằng việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước hay chi phí của xã hội.

Thu thập dữ liệu mống mắt là hợp lý

Về quản lý người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở nước ta, theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không có hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong việc quản lý. Do vậy, dự thảo quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chứ không phải cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp.

ĐBQH Võ Mạnh Sơn.

"Quy định này thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước ta và cũng là cơ sở để người gốc Việt Nam có điều kiện thực hiện được trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống", nữ đại biểu nhận định thêm.

Đồng quan điểm, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đánh giá cao dự thảo trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, có nhiều bước đổi mới trong quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý Nhà nước.

"Trong đó, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là phù hợp, vì đối tượng áp dụng của luật không chỉ là công dân Việt Nam, mà còn là người gốc Việt, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Việc đổi tên thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay", ông nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức.

Trước ý kiến một số ĐBQH băn khoăn về việc thu thập dữ liệu mống mắt để mã hoá, lưu trữ trên thẻ căn cước, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong sinh trắc học gồm khuôn mặt, vân tay, ADN, mống mắt... Trong thực tế hiện nay, với nhu cầu làm đẹp, nhiều người chỉnh sửa khuôn mặt nên nhận diện rất khó khăn, khi giao dịch không xác định được khuôn mặt, nhất là khi nhiều cổng kiểm soát sử dụng công nghệ AI.

"Còn mống mắt là cố định, không ai có thể sửa mắt, đây là nhận dạng cố định, phục vụ quản lý dữ liệu cho người dân. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý", đại biểu thông tin.

Quỳnh Vinh

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文