Việc thu thập vân tay, ảnh mặt có thể làm cùng lúc với việc thu thập thông tin công dân
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao những đề xuất đổi mới của cơ quan chủ trì soạn thảo để thay đổi phương thức quản lý hành chính nhà nước, chuyển từ quản lý hành chính bằng bản giấy sang hình thức điện tử, hướng tới xây dựng và phát triển Chính phủ số, xã hội số.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Tích hợp giấy tờ vào thẻ căn cước tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) bày tỏ nhất trí việc đổi tên Luật Căn cước vì thẻ căn cước này không chỉ điều chỉnh việc cấp cho công dân Việt Nam mà còn cấp cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch.
Đại biểu cho rằng, hiện chúng ta đang xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số…, đây cũng là xu thế tất yếu toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ vào thẻ căn cước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia khi giao dịch dân sự và các hoạt động khác trong đời sống. Bên cạnh đó, việc tích hợp các giấy tờ bằng giấy như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước là rất hợp lý.
“Việc xuất trình căn cước trong đó có thông tin về giấy phép lái xe tôi nghĩ rằng rất hợp lý, tạo thuận lợi cho cả người dân cũng như lực lượng CSGT quản lý, kiểm tra người đang điều khiển phương tiện” – đại biểu nêu.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được thiết kế, xây dựng ở cấp độ 4 về mức độ đảm bảo an toàn thông tin nên người dân có thể yên tâm về bảo mật. Đại biểu cũng đồng tình với việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhận định, việc giấy khai sinh được tích hợp vào căn cước rất thuận tiện cho người dân trong quán trình sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) đánh giá cao những đề xuất đổi mới của cơ quan chủ trì soạn thảo tại dự án luật này để thay đổi phương thức quản lý hành chính nhà nước, chuyển từ quản lý hành chính bằng bản giấy sang hình thức điện tử, hướng tới xây dựng và phát triển Chính phủ số, xã hội số.
“Tôi cho rằng đây là những đề xuất đổi mới hết sức quan trọng nên cần được nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là tác động đối với xã hội. Đồng thời, để luật có thể phát huy được hiệu quả, hiệu lực, cũng cần phải có thời gian để tạo sự đồng thuận, hiểu thấu đáo các nội dung còn có ý kiến khác nhau và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và các điều kiện khác để thực thi các quy định mới này” - đại biểu nêu quan điểm.
Cấp căn cước cho người Việt Nam sống tại Việt Nam không quốc tịch phù hợp với thực tế
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, dự thảo quy định cấp căn cước cho người Việt Nam sống tại Việt Nam không quốc tịch là phù với hợp thực tế. Hiện cả nước có hơn 31.000 trường hợp chưa xác định được quốc tịch. Khi thực hiện cấp căn cước cho nhóm đối tượng này sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ và họ được tham gia các giao dịch thiết yếu trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước. Ngoài ra, nếu không thu thập thông tin, quản lý nhóm đối tượng này, nếu họ vi phạm pháp luật thì rất khó xác minh, xử lý.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nhận định, việc Luật Căn cước mở rộng đối tượng cấp căn cước cho người Việt Nam sống tại Việt Nam không quốc tịch là phù hợp đảm bảo quyền con người. Thời gian qua, họ không có HKTT, con cái không được học hành, không có chính sách an ninh xã hội... đã gây ra nhiều hệ luỵ xã hội. Tuy vậy, theo đại biểu, việc cấp căn cước cho họ cũng cần thận trọng, khách quan, tránh việc kẻ gian lợi dụng hợp thức hoá giấy tờ để phạm pháp.
“Để cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu căn cước kịp thời, chính xác, Nhà nước cần đảm bảo nguồn lực đề đầu tư hạ tầng kịp thời kết nối thông tin trong thời gian nhất định, nếu chậm sẽ không thể áp dụng được và không thể khai thác. Việc khuyến khích tổ chức cá nhân tài trợ hỗ trợ xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư là cần thiết để giảm chi phí ngân sách nhưng phải đảm bảo an toàn bí mật thông tin cá nhân cho người dân” - đại biểu Phạm Văn Hoà nêu ý kiến.
Bổ sung thông tin sinh trắc học giúp quản lý công dân chính xác, hiệu quả hơn
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, AND, giọng nói, Luật CCCD năm 2014 bổ sung thêm mống mắt, ADN, ảnh chân dung thay bằng ảnh khuôn mặt. Đây là những thông tin đặc trưng của mỗi người có tính cá biệt, ổn định rất cao.
“Thực tế việc thu thập thông tin sinh trắc học là cần thiết để truy nguyên trực tiếp cá thể người giúp quá trình quản lý công dân được chính xác, khoa học, dễ dàng, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay của các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực tiễn, có nhiều vụ án, vụ việc không xác định được đối tượng nhưng qua công tác điều tra thu thập các dấu vết sinh trắc học như dấu vết đường vân tế bào người có ADN hay hình ảnh có khuôn mặt thì sẽ giúp truy tìm được đối tượng thông qua giám định hoặc đối sánh trên cơ sở dữ liệu về sinh trắc học. Đây là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phù hợp với quy định của Hiến pháp” – đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cũng cho biết, việc thu thập vân tay, ảnh mặt, mống mắt, giọng nói có thể làm ngay cùng lúc với việc thu thập thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, còn ADN có thể tính toán làm từng bước theo lộ trình, vì để thu thập, phân tích, lưu giữ kiểu gen, khai thác, sử dụng thông tin ADN cần phải đầu tư phòng thí nghiệm, thiết bị phân tích và hóa chất, vật tư tiêu hao, về kinh phí và nhân lực rất lớn.
“Theo số liệu thống kê của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol năm 2019, 70 quốc gia thành viên Interpol đã xây dựng cơ sở dữ liệu ADN, trong đó châu Á 13 quốc gia, châu Âu 40 quốc gia, châu Mỹ 10 quốc gia và châu Phi 7 quốc gia. 31 quốc gia có cơ sở dữ liệu ADN chuyên dùng để tìm kiếm người mất tích, nhưng tỷ lệ thu thập dữ liệu còn thấp, nước nhiều nhất là 4,9% tổng dân số, nước ít nhất là 0,2% tổng dân số. Hiện nay, Viện khoa học hình sự, Bộ Công an đã xây dựng và từng bước bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu ADN thông qua công tác chuyên môn” – đại biểu chia sẻ.