Việc tinh gọn tổ chức bộ máy lần này là thời cơ, không phải chủ quan, duy ý chí
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, diễn ra ngày 25/11/2024 vừa qua đã xem xét, cho ý kiến việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với quan điểm của Trung ương.
Quyết liệt nhưng cũng rất thận trọng
Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này dựa trên thành quả của 40 năm đổi mới; đồng thời, có sự vận động trong lòng xã hội trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trình độ quản lý, quản trị xã hội ngày càng nâng lên. Trước đây mình làm vừa phải, chưa quyết liệt lắm, đến giờ tới lúc phải quyết liệt hơn. Phải có sự quyết tâm trên cơ sở nhận thức được các quy luật khách quan, đó là sự vận động của xã hội mà trong lòng nó đã có mầm mống tiến bộ, những yếu tố mới đâm chồi lên rồi. Thế thì những yếu tố lạc hậu, cũ kỹ, không tích cực phải được đẩy lùi.
"Lúc này đây không phải chủ quan, duy ý chí, mà thời cơ đến rồi anh phải nhận biết được. Đừng nghĩ ông này lên khác ông kia, bộ máy này nghĩ chuyện khác... Không phải. Mà phải nhận biết được quy luật khách quan của xã hội. Điều này nằm ở năng lực nhận biết những vấn đề xã hội xung quanh mình, nếu bỏ qua là mất cơ hội" - ông nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị". Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, hai chữ "cách mạng" ở đây rất hay. Ở đây không phải cách mạng xã hội, thay đổi từ chế độ này sang chế độ khác, mà cách mạng là đổi mới ở lĩnh vực tổ chức bộ máy. Trong giới hạn đó, tổ chức bộ máy mà mình thấy có những điều cũ kỹ, lạc hậu, ngăn cản sự phát triển, rối rắm... thì cần thay đổi phương thức làm việc mạnh mẽ, dứt khoát, rõ ràng hơn; những gì đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, hiệu quả và thiết thực với người dân, doanh nghiệp, đáp ứng quyền lợi của các bên thì phải thực hiện. Đó chính là cách mạng.
Đồng thời, ông cho rằng, quan trọng là phải chuẩn hoá chức danh lãnh đạo. Lãnh đạo mà "cứ rù rì, chờ đa số rồi mới quyết, không có các chiến lược... thì không được". Phải tìm ra anh nào tiên tiến trong số đội ngũ thì sẽ trở thành lãnh đạo. Ông cha ta nói, "Một người lo bằng kho người làm", cho nên người đứng đầu rất quan trọng, các Thứ trưởng có nhiệm vụ tham mưu nhưng ông Bộ trưởng phải có tài về chiến lược, nghĩ xa, trông rộng và có khả năng thiết kế các ý tưởng... Thứ hai là tinh giản biên chế, giảm đầu mối nhưng phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ sao cho chất lượng, ăn khớp với nhau thành một tập thể chuyên môn có ý chí tiến công mạnh mẽ. Đội ngũ chuyên môn thì phải chuyên môn sâu, có kỹ năng làm việc.
"Hiện, tôi đã thấy được sự quyết liệt, lan toả từ Trung ương xuống địa phương. Quyết liệt nhưng rất thận trọng, quyết liệt nhưng rất chín chắn và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm, huy động sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Đến bây giờ mình cũng nhận thấy sự được chín muồi của toàn dân, toàn quân và toàn xã hội", ĐBQH tỉnh Nam Định chia sẻ thêm.
Có chính sách hợp lý để mỗi cán bộ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung
Ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
"Để thực hiện thành công "cuộc cách mạng" này, cần tập trung vào một số yếu tố cốt lõi. Trước hết là sự quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất. Khi lãnh đạo dám đối diện với thách thức, không ngại thay đổi, thì đó sẽ là động lực lớn nhất để thúc đẩy cải cách. Bên cạnh đó, việc xây dựng một kế hoạch rõ ràng, có lộ trình cụ thể và dựa trên nghiên cứu khoa học là điều không thể thiếu", ông hiến kế.
Về yếu tố nhân sự, cần đào tạo, chuyển đổi năng lực cho cán bộ để họ thích ứng với cơ cấu mới là một nhiệm vụ quan trọng. Không thể chỉ sáp nhập hay tinh gọn trên danh nghĩa mà bỏ qua vấn đề con người – lực lượng thực thi chính sách. Sự đồng thuận từ xã hội là điều không thể thiếu, bất kỳ cuộc cải cách nào cũng cần sự ủng hộ của người dân, bởi đây là đối tượng hưởng lợi cuối cùng từ một bộ máy hành chính hiệu quả. Để làm được điều đó, cần minh bạch hóa thông tin, truyền thông hiệu quả và giải quyết các lo ngại phát sinh...
Tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề động chạm đến quyền lợi, tâm tư tình cảm của cán bộ đảng viên, công chức viên chức nên không hề đơn giản. Chúng ta cần làm thế nào để đảm bảo đạt yêu cầu cũng như tạo sự đồng thuận cao? "Đây là sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của cán bộ, công chức, nên cảm giác lo lắng và bất an là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách hành chính và phát triển đất nước, một phần của quá trình này chính là sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Trong trường hợp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn", ông nêu quan điểm.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn cũng đề nghị, Nhà nước cần có chính sách chăm lo, hỗ trợ hợp lý để mỗi cán bộ, công chức, viên chức cảm nhận được sự công bằng khi hy sinh quyền lợi cá nhân. Bởi, khi họ cảm thấy mình "không bị bỏ lại phía sau", mà thực sự có sự hỗ trợ để thích ứng với môi trường mới, họ sẽ dễ dàng chấp nhận và tham gia vào quá trình này với tâm lý tích cực hơn...