Việt Nam – Campuchia: Sự hợp tác toàn diện tốt đẹp

16:43 23/06/2022

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022) Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

PV: Nhân dịp kỷ niệm “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022” và kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, xin Bộ trưởng cho biết về lịch sử, ý nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Quan hệ Việt Nam - Campuchia trong thế kỷ XX được định hình và phát triển xuất phát từ yêu cầu và mục tiêu chung của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước. Tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân - đế quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Campuchia khởi xướng, tạo nên sức mạnh chung to lớn cho quân và dân hai nước thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do.

Ngày 23/6/1967, trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”. Chỉ sau đó một ngày, ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử chung của hai dân tộc.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Campuchia đã sát cánh bên nhau, giành nhiều thắng lợi trên cả mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao, cùng giành chiến thắng lịch sử vào mùa xuân năm 1975. Tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc càng được thể hiện rõ nét và sâu sắc hơn khi hai nước kề vai sát cánh, chung tay lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn bạo, giúp hồi sinh đất nước Campuchia.    

Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1993 của Campuchia, quan hệ giữa hai nước chuyển sang một giai đoạn mới, phù hợp với tình hình của mỗi nước và bối cảnh quốc tế. Lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc. Trong chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 3/2005, hai bên đã nhất trí tăng cường và phát triển quan hệ hai nước theo tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Với định hướng đó, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Có thể nói, 55 năm qua là một giai đoạn phát triển quan trọng quan hệ Việt Nam - Campuchia, được đánh dấu bởi những sự kiện lịch sử không thể quên khi hai nước cùng đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập từ chế độ thực dân, sát cánh bên nhau lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo của Pôn Pốt, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước. Việc hai nước kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường đã qua, để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, nhận thức sâu sắc hơn và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và không ngừng vun đắp cho những giá trị tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết giữa hai dân tộc.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết về những thành tựu nổi bật của quan hệ hai nước trong 55 năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Như đề cập ở trên, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Campuchia cùng với Lào kề vai sát cánh trong đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là thắng lợi lịch sử của ba nước mùa xuân 1975.

Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc, sau khi chặn đứng hành động gây hấn của bè lũ Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, làm nên Chiến thắng ngày 7/1/1979, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, rồi sau đó cử nhiều chuyên gia sang giúp bạn hồi sinh, tái thiết đất nước Chùa Tháp - thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, trong sáng, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.

Ngày nay, Việt Nam và Campuchia đều đã có hòa bình, độc lập; quan hệ hai nước bước sang giai đoạn hợp tác toàn diện, cùng có lợi, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương trên tất cả các kênh, kể cả khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua. Chính phủ và nhân dân hai nước phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước càng chặt chẽ và thực chất.

Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng tiếp tục được tăng cường; hai bên kiên định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này gây phương hại cho an ninh và lợi ích của nước kia.

Trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên nỗ lực xây dựng đường biên giới chung hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% và hiện hai bên đang tiếp tục đàm phán giải quyết 16% còn lại.

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư gần đây phát triển tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; trong 05 tháng đầu năm 2022 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong tốp 05 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Lãnh đạo hai nước cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia được phía Bạn đánh giá cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của sở tại.

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các hoạt động giao lưu, du lịch giữa hai nước bắt đầu khởi sắc trở lại, nhất là khi hai nước đã mở cửa hoàn toàn và nối lại các chuyến bay thẳng. Du khách Việt Nam tới Campuchia trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 46.000 lượt khách, đứng đầu trong số các nước có khách du lịch tới Campuchia.

Các lĩnh vực hợp tác khác như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - thể thao... tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Mỗi năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam; số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới.

Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế, hai nước cũng đã phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là trong năm 2022 khi Campuchia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, cùng nhau đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của Cộng đồng ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới.

PV: Trên nền tảng của những thành tựu vừa nêu, trên cương vị là người đứng đầu Ngành Ngoại giao Việt Nam, xin Bộ trưởng cho biết cảm nhận về triển vọng quan hệ Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Nhìn lại 55 năm qua, dù trải qua nhiều thử thách và thăng trầm của lịch sử, nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển trở thành biểu tượng thiêng liêng, tài sản chung vô giá của hai nước mà lãnh đạo và nhân dân hai nước cần nỗ lực gìn giữ và phát huy.

Ngày nay, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp khó lường, hai nước càng phải tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau để xứng đáng với những đóng góp, hy sinh của các thế hệ đi trước và đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và cùng chia sẻ quyết tâm duy trì môi trường hoà bình, ổn định để phát triển; thêm vào đó là những điều kiện thuận lợi về truyền thống, kinh nghiệm hợp tác và sự gần gũi về địa lý để đẩy mạnh hơn nữa kết nối kinh tế, thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương, tôi tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp và mang lại nhiều kết quả thiết thực theo đúng phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Đây cũng là mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia tháng 7/2017: “Cho dù tình hình thế giới và khu vực có những đổi thay, song trước sau như một, Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn, vun đắp mối quan hệ Việt Nam – Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

PV

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文