Việt Nam cam kết mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững

10:35 24/03/2023

Ngày 24/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ phối hợp tổ chức hội thảo "Tham vấn Dự thảo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam năm 2023".

Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Trong đó Rà soát quốc gia tự nguyện (VNRs) về thực hiện các mục tiêu SDGs được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày VNR vào năm 2018 và năm 2023 Việt Nam tiếp tục đăng ký trình bày VNR lần thứ 2 cùng với 41 quốc gia khác.

Toàn cảnh hội thảo.

TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐTnhấn mạnh: “Tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam mong muốn chia sẻ thành tựu, bước tiến đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu SDGs; đồng thời chia sẻ khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong thực hiện SDGs và đưa ra những định hướng, các hoạt trọng tâm trong nửa chặng đường còn lại. Tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) năm 2023, khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế trong việc thực hiên các mục tiêu SDGs nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả mọi người.”

Ông Lê Việt Anh đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các bên liên quan trong nước và quốc tế, đặc biệt là Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, về những hỗ trợ rất quan trọng trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện VNR và Phía Liên hợp quốc về các hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng Dự thảo VNR.

Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức GIZ).

Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh cho biết: “Rà soát Quốc gia Tự nguyện là một phần quan trọng trong việc giám sát và đánh giá Chương trình nghị sự 2030 của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Đức. GIZ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Bộ KH&ĐT thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Đức và quốc tế, để đảm bảo Việt Nam thực hiện thành công các cam kết phát triển kinh tế bền vững. Công bằng xã hội được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, việc quản lý và sử dụng tài nguyên được cải thiện, sự chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu là một số trong rất nhiều lợi ích mà Việt Nam sẽ đạt được khi phát triển bền vững thành công".

Bà Naomi Kitahara, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc.

Bà Naomi Kitahara, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã sử dụng các nguồn dữ liệu sáng tạo, dựa trên phân tích chuyên sâu và huy động nhiều bên tham gia vào quá trình xây dựng VNR 2023. Bà chỉ ra rằng chỉ riêng đầu tư vào bảo trợ xã hội và chuyển đổi năng lượng cũng có thể đẩy nhanh tiến độ của SDGs: “Liên Hợp Quốc ước tính rằng mỗi đồng đầu tư vào an sinh xã hội có thể tạo ra nhiều hơn một đồng GDP, đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau…”. Liên Hợp Quốc khuyến khích Chính phủ tiếp tục xây dựng và thực hiện các hành động tiếp theo để đẩy nhanh việc đạt được các SDG sau khi VNR được hoàn thành.

Đại diện nhóm chuyên gia trình bày Dự thảo Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam 2023.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo VNR và đề xuất các lĩnh vực ưu tiên trong triển khai thực hiện SDG tới đây. Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi sau COVID-19 cần được ưu tiên. Huy động các nguồn tài chính bổ sung và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính hiện có cho phát triển bền vững là một ưu tiên quan trọng. Ngoài ra, đầu tư vào nguồn nhân lực, đổi mới, số hóa để cải thiện năng suất là một lĩnh vực trọng tâm khác. Việt Nam nên ưu tiên nền kinh tế xanh và tuần hoàn, khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu theo cam kết phát thải bằng không. Thúc đẩy cải cách hành chính công, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống hành chính là rất quan trọng để giải quyết các nút thắt thể chế cho tăng trưởng bao trùm trong những năm tới. Cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các SDG cho các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người nghèo nhất và dân tộc thiểu số. Cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là một ưu tiên khác. Việc thực hiện những ưu tiên này sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Đại diện các bộ, ngành, cơ quan trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&ĐT trong việc xây dựng VNR, tạo cơ hội để tất cả các bên liên quan có thể đóng góp và thể hiện tiếng nói trong VNR 2023, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các mục tiêu SDG vào năm 2030.

Lưu Hiệp

Sau khi thoả thuận, thống nhất giá mua bán, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc tiền từ 3 - 30 triệu đồng (tùy vào giá trị của xe máy, ô tô). Bọn chúng còn giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện xác minh, đề nghị nộp tiền để làm giấy tờ nhưng khi nhận được tiền chúng sẽ khoá máy, chặn liên lạc.

Nằm trong kế hoạch ra quân đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, hơn một tuần qua, Công an huyện Tây Hòa, Công an huyện Phú Hòa và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên đã đánh sập 3 đường đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng.

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhiều vấn đề nóng được lãnh đạo Bộ Tài chính giải đáp theo các câu hỏi của phóng viên.

Chiều 7/1, phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Đại biểu Quốc hội) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn. Trước khi thẩm vấn, Hội đồng xét xử tiến hành cách ly bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cùng hai bị cáo khác là Lê Thanh Vân (cựu Đại biểu Quốc hội) và Nguyễn Văn Vương (cựu Chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch Nước) khỏi phòng xử án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文