Việt Nam luôn dành sự quan tâm xuyên suốt đến tiến trình UPR

18:36 10/12/2021

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang tại Hội thảo tham vấn lần thứ hai về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 10/12.

Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức với sự tham dự của hơn 60 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nhân dân, cơ quan nghiên cứu và nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang khẳng định ý nghĩa lịch sử và vai trò quan trọng của Ngày Nhân quyền quốc tế (ngày 10/12 hàng năm) và Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948; nhấn mạnh Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và tiếp tục là mục tiêu phấn đấu của thế giới cũng như từng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhân loại phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm quyền con người như hiện nay.

Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức ngày 10/12. Ảnh: Lâm Khánh

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh: “Để vượt qua được những biến cố lớn của thời đại và cùng hướng đến mục tiêu chung về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, cách tốt nhất là thông qua hợp tác, đối thoại thực chất cả song phương và đa phương, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế và nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử”. 

Khẳng định chính sách, cam kết nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của đất nước, Thứ trưởng Ngoại giao cho biết, tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua cũng như cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19 hiện nay là những minh chứng sống động nhất về việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

 Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho biết, trong nhiều phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Là thành viên trách nhiệm của Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn dành sự quan tâm xuyên suốt đến tiến trình UPR, cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Còn bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam khi đề cập đến chủ đề của Ngày nhân quyền thế giới năm 2021 là sự bình đẳng đã nhấn mạnh vào một số lĩnh vực như lao động, việc làm, quyền phụ nữ và trẻ em…; đồng thời khẳng định LHQ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới. 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã lắng nghe tham luận từ đại diện Bộ Ngoại giao giới thiệu dự thảo lần thứ hai Báo cáo giữa kỳ tự nguyện và bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam trình bày về các ý kiến góp ý đối với dự thảo Báo cáo; cũng như các ý kiến đóng góp trực tiếp tại Hội thảo của các đại biểu tham dự. Các thông tin, ý kiến này sẽ được tổng hợp, tham khảo trong quá trình hoàn thiện Báo cáo.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng và đệ trình Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III để gửi đến Hội đồng Nhân quyền LHQ, tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

H.Chi

Nhân dịp đồng chí Tô Lâm được Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo các nước Nga, Brunei, UAE, Palestine, Sri Lanka và Mông Cổ đã gửi điện và thư chúc mừng.

Ngày 23/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước yêu cầu của phía Campuchia, đề nghị Việt Nam hợp tác điều tra thông tin một số tài khoản mạng xã hội được cho là của công dân Việt Nam có lời lẽ chưa đúng mực trên tài khoản của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hunsen.

Ngày 22/5, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã phát đi thông báo đang kiểm tra, xác minh tin báo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín về dấu hiệu tội phạm do “Đặng Tất Thắng lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quyết định phân công của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về giải quyết nguồn tin tội phạm… 

 Ngày 23/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn đề nghị Chủ tịch UBND 6 tỉnh: Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, chấm dứt việc vận chuyển trái phép sản phẩm động vật được cho có nguồn gốc từ châu Âu (nơi có dịch bò điên) qua biên giới với Campuchia.

Chiều 23/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Tuyến (SN 1991, ngụ Hải Dương) và Đoàn Nguyễn Ngọc Thương (SN 1996, ngụ Quảng Ninh) về hành vi trộm cắp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文