Việt Nam tích cực tham gia hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Từ ngày 19 đến ngày 22/9, tại Australia, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) phối hợp với Chính phủ Australia tổ chức Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2022 (APMCDRR) với sự tham gia của đại biểu hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chiều 19/9, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đoàn công tác Việt Nam tham dự APMCDRR do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) làm Trưởng đoàn.
APMCDRR năm 2022 là hội nghị lần thứ 9 được tổ chức, với chủ đề chính là "Từ khủng hoảng đến khả năng phục hồi: Hướng tới tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua giảm nhẹ rủi ro thiên tai". Hội nghị có sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu từ các cấp chính phủ, cấp bộ, các cộng đồng địa phương, tư nhân, học viện... thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Kết quả đạt được của hội nghị được tổng kết bằng "Tuyên bố Brisbane" (1 tuyên bố cấp bộ) nhằm thể hiện quyết tâm trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai của các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các cơ chế hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thực hiện có trách nhiệm các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc tế. Đặc biệt, năm 2023 là năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai".
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định cam kết Việt Nam sẽ đóng vai trò là cầu nối hiệu quả, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa khối ASEAN với các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về những giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết nhiều rủi ro cùng một lúc.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Liên Hợp Quốc cần tăng cường hơn nữa hỗ trợ đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực hâu Á - Thái Bình Dương để tăng cường khả năng tiếp cận với các quỹ đa phương và toàn cầu.
Các nguồn lực cần được huy động cho các chương trình và dự án cần tập trung vào việc tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động ngày càng gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đối với Việt Nam, để khắc phục tình trạng dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn, bao gồm cả việc chuyển giao khoa học và công nghệ giữa các quốc gia.