Vùng Đông Nam Bộ có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội

18:46 26/11/2023

Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước, quy hoạch vùng phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tinh thần chung là kiến tạo phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 26/11, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ; các đơn vị tư vấn, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Cần sự tiếp cận mang tính đột phá

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các ý kiến tập trung vào một số nội dung chính là: Quan điểm phát triển và bố trí không gian phát triển; mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; xác định các ngành có lợi thế; nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết; phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng; giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình phê duyệt theo quy định. Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng dự thảo Quy hoạch đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng của vùng trong những năm tới và cần chọn kịch bản cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, dự thảo Quy hoạch đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng của vùng trong những năm tới và cần chọn kịch bản cao. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế. 

"Ở đây, cần cơ chế đặc biệt, sự tiếp cận mang tính đột phá, quốc gia đầu tư cho vùng. Có thể đầu tư vào đây 30-50% nguồn lực quốc gia để sau đó vùng đóng góp trở lại cho cả nước", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Từ đây đến năm 2030, vùng có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng 2 con số và 2 con số này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau.

Đối với phân vùng không gian kinh tế, theo ông Phan Văn Mãi, cần xác định vùng Đông Nam Bộ là công nghiệp-dịch vụ, từ đó tính toán tương quan giữa vùng và các vùng kế bên. Cần có sự mở rộng không gian kinh tế của Đông Nam Bộ, theo hướng vùng nhận vai trò là đầu mối khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, từ đó lan tỏa ra các vùng khác và cả nước. Vùng cũng là đầu mối để tiếp nhận nguồn lực từ bên ngoài, từ khu vực và thế giới. Về không gian đô thị, ông Mãi cho rằng cần phát triển theo hướng đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng tri thức, sáng tạo, thông minh.

Ông Phan Văn Mãi cũng đề xuất xác định các dự án lớn, những công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng. Đơn cử, phát triển mạng lưới đường sắt không chỉ tính cho riêng TP Hồ Chí Minh mà phải cho cả vùng và mạng lưới này có thể chi phối việc phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng logistics, thậm chí cả mô hình quản lý hành chính.

Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận, tư duy đột phá chứ không tịnh tiến, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, bám sát thực tiễn và dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng Đông Nam Bộ

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, đến nay đã hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; cảm ơn các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn và khả thi.

Báo cáo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phản ánh sự cố gắng, quyết tâm rất lớn của các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu để bảo đảm cả về chất lượng và tiến độ lập quy hoạch; thể hiện rõ nét quan điểm, mục tiêu phát triển và phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ.

Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt, bám sát và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; kết nối với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

Tinh thần chung là kiến tạo phát triển và liên kết vùng. Quy hoạch phải mở và vận dụng linh hoạt, không vướng mắc khi có biến động lớn. Có nguồn lực thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn để thực hiện một cách khả thi, bài bản, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình xây dựng Quy hoạch, cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn, thách thức của vùng. Với tiềm năng rất đặc biệt về con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa, vùng có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước.

Tuy nhiên, tiềm năng của vùng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược chưa tương ứng để phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế.

Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận, tư duy đột phá chứ không tịnh tiến, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, bám sát thực tiễn và dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử. Con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa – lịch sử là động lực.

Việc huy động nguồn lực phải rất đa dạng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Kết hợp nguồn lực Trung ương và địa phương, Nhà nước và tư nhân. Cơ chế, chính sách cũng là nguồn lực.

Thủ tướng trao đổi với đại biểu bên lề Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng trong những năm tới, đi cùng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phù hợp.

Về cơ cấu kinh tế, vùng phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, chia sẻ. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch là trọng tâm; phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, công nghệ cao, nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối, Thủ tướng nêu rõ, bao gồm kết nối kinh tế, kết nối giao thông, kết nối an ninh quốc phòng, kết nối các nguồn tài nguyên. Về giao thông, cần phát triển mạnh cả 5 phương thức, lấy giao thông hàng không và hàng hải để đẩy mạnh kết nối quốc tế, các phương thức còn lại (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa) để kết nối trong nước.

Kết nối kinh tế vùng với Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ mang tính bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau; kết nối với cả nước; kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, ASEAN; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Kết nối về an ninh quốc phòng với Lào, Campuchia và các nước ASEAN, chú ý kết nối trong bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tiểu vùng Mekong.

Về các dự án lớn, Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng một trung tâm logistics lớn của vùng và cả nước gồm cả cảng Cái Mép-Thị Vải và cảng Cần Giờ (nằm hai bên bờ của một dòng sông), trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Các chương trình, dự án lớn khác của vùng là phát triển trung tâm tài chính quốc tế; hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt; các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa…

Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng, các bộ, ngành, các vùng cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn. Tổ chức thực hiện quy hoạch bài bản, lớp lang, với các chế tài phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh.

Theo VGP

Ngày 27/11, trao đổi với PV Báo CAND, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát từ ngày 1/11 đến hết ngày 24/11, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý 2.291 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến học sinh. Trong số này có 517 trường hợp lái xe khi không đủ điều kiện, xử phạt 275 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện.

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Sáng 27/11, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại...

Thời gian qua, một số cơ sơ chuyên mua bán hải sản trên các tuyến đường thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tổ chức hoạt động kinh doanh tràn lan, bất chấp quy định pháp luật về sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文