Xây dựng Luật Dữ liệu là quan trọng và cấp thiết

06:55 15/09/2024

Dự án Luật Dữ liệu là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an về sự cần thiết xây dựng và những nội dung quan trọng của dự án Luật Dữ liệu.

Phóng viên (PV): Vì sao chúng ta cần phải xây dựng và ban hành Luật Dữ liệu, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh - chính trị đến kinh tế, xã hội. Ở nước ta, Đảng ta cũng đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nhiều chủ trương đã được Đảng ta ban hành.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân). Ở nước ta, qua rà soát hệ thống pháp luật thì chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tất cả các văn bản luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu cũng như việc việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân; chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu… Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.

Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

PV: Bộ Công an hiện đã hoàn thiện dự thảo lần 2 Luật Dữ liệu sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng chí cho biết những nội dung chính của dự thảo Luật Dữ liệu?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 68 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Luật quy định những nội dung cơ bản cần tuân thủ trong quá trình xử lý dữ liệu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân (bao gồm hơn 20 hoạt động cụ thể); các nguyên tắc trong quản trị, xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu trong quản lý, phát triển các ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu đang là xu thế phát triển trên thế giới hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung các nguyên tắc, quy định cần tuân thủ đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện.

Luật cũng quy định cụ thể về dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hoạt động xử lý, quản trị, chia sẻ dữ liệu liên quan đến Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác…; quy định về hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia và việc đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng; nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng, thiết bị đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển của Trung tâm dữ liệu quốc gia; nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu...

Luật cũng quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu và quản lý đối với tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, gồm: Dịch vụ xác thực điện tử đối với dữ liệu không gắn với chủ thể danh tính điện tử; sản phẩm, dịch vụ phân tích và tổng hợp dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu…; quy định rõ các nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu và trách nhiệm của cơ quan có liên quan; trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dữ liệu, Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu.

PV: Khi triển khai theo quy định của Luật Dữ liệu thì việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Để bảo đảm thống nhất trong công tác quản lý dữ liệu, Luật đã quy định các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải thiết lập, phân loại dữ liệu đang quản lý theo các yêu cầu nghiệp vụ, bảo đảm việc chia sẻ, kết nối, khai thác sử dụng tại Trung tâm dữ liệu quốc gia gồm: Dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng và dữ liệu mở. Các dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung của cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu dùng riêng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và dữ liệu được cung cấp bởi tổ chức, cá nhân khác sẽ được thu thập, đồng bộ về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia của Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia được thực hiện thông qua nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin.

Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia của Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng phục vụ việc khai thác, sử dụng chung đáp ứng hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

Tổ chức, cá nhân được khai thác dữ liệu mở và dữ liệu khác theo quy định của Luật để phục vụ hoạt động giao dịch điện tử, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; đồng thời, phải tuân thủ quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu theo quy định.

PV: Như vậy, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia theo dự thảo Luật là một bước đột phá trong xây dựng Chính phủ số cũng như công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin…

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đúng vậy! Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước thông qua Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nguồn cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, công dân số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quản lý, quản trị, xử lý dữ liệu.

Việc xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở sử dụng dữ liệu đã được thu thập, đồng bộ, chia sẻ, xác thực tại Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, minh bạch hơn; có sự giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu bởi cơ quan chuyên trách và các cơ quan khác có liên quan. Đồng thời hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu về con người để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới dựa trên dữ liệu (như công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán đám mây...) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.

PV: Dự thảo Luật cũng đã xây dựng quy định điều chỉnh toàn diện về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Thiếu tướng có thể cho biết những lợi ích quan trọng từ việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, cần phải được hoạch định, khai thác sử dụng hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng xã hội số, công dân số.

Hiện nay, trên thế giới rất nhiều sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu đang phát triển với xu hướng ngày càng mở rộng, gắn kết với mọi ngành nghề kinh tế, hoạt động xã hội như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu… Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động này, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy, phát triển các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, tạo lập thị trường dữ liệu.

Do vậy, dự thảo Luật Dữ liệu đã bổ sung quy định điều chỉnh toàn diện về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu; đồng thời, quy định rõ về sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian, phân tích, tổng hợp dữ liệu… Các quy định này sẽ góp phần từng bước thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số.

Việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu với vai trò dẫn dắt, định hướng, quản lý của nhà nước sẽ tạo cơ hội cho tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư, phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, gia tăng hiệu quả kinh tế thông qua dữ liệu; người dân có nhiều cơ hội tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

PV: Xin Thiếu tướng cho biết những công việc sắp tới để hoàn thiện dự án Luật Dữ liệu và trình đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Bộ Công an đã xây dựng Hồ sơ dự án Luật Dữ liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Công an để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gửi xin ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, bộ, ban, ngành, địa phương và Công an các đơn vị, địa phương.

Bộ Công an sẽ trình Chính phủ cho ý kiến về Hồ sơ dự án Luật tại phiên họp tháng 9/2024 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo đúng lộ trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 48/2024/UBTVQH15 ngày 23/7/2024.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Nguyễn Hương (thực hiện)

Sau khi ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam công bố sao kê các khoản từ thiện của các tổ chức cá nhân ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, dư luận không khỏi xôn xao trước những con số không hề khớp so với những gì nhiều người đã khoe mẽ trên mạng xã hội.

Ngày 18/9, Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, đã khởi tố bị can 3 đối tượng về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại dự án xây dựng đường giao thông tại xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm.

Ngày 18/9, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã triệt xóa đường dây ma túy với số lượng trên 6 kg ma túy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Quảng Ngãi.

Sau khi bão Yagi đổ bộ đã tàn phá ở Quảng Ninh, Hải Phòng và càn quét Hà Nội làm mưa lũ lụt dữ dội khắp các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc. Bão Yagi và lũ lụt làm chết và mất tích hàng người, và hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu bị chìm trong biển nước và bùn cát.

Điều trị mất ngủ chỉ cần sử dụng sóng điện từ thiết bị công nghệ cao mà không sử dụng thuốc - đó là lời quảng cáo rất “đi vào lòng người” của cơ sở RebornCell ở số 144 đường Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội trên các trang mạng, khiến người bệnh đổ xô đi chữa mất ngủ. Thế nhưng, có những người bệnh đến đây chữa trị nhưng bệnh không khỏi, chỉ thấy mất hàng chục triệu đồng.

Theo đó, Moscow đang có kế hoạch hạn chế xuất khẩu các vật liệu chiến lược như niken, titan và uranium. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ám chỉ rằng, các nguồn tài nguyên “khác” có thể bị ảnh hưởng, đồng thời nhấn mạnh rằng các hạn chế nên được xem xét miễn là không ảnh hưởng tới nước Nga.

Chiều muộn ngày 12/9, sau một hành trình dài đi kiểm tra, thị sát các vùng thiên tai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có mặt tại Làng Nủ. Chứng kiến những mất mát của người dân, người đứng đầu Chính phủ bật khóc, rồi ngay lập tức ra chỉ thị: Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền Lào Cai đối với vùng tâm lũ là sớm ổn định đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Và quan trọng nhất là tái thiết cuộc sống người dân Làng Nủ sau lũ.

Hôm nay, khu vực miền Trung nhiều tỉnh thành được dự báo sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa lớn. Trong đó, riêng từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cục bộ có nơi trên 400mm.

Chiều ngày 16/9, Công an xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền cơ sở đưa 115 người dân thôn Kho Vàng đang lánh nạn trên núi xuống ở tại khu nhà dã chiến do Công an tỉnh Lào Cai xây dựng. Tất cả đều rất phấn khởi, đồng thuận, tin tưởng vào chính quyền và lực lượng Công an.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文