Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giải quyết khó khăn điểm nghẽn cho Thủ đô phát triển

19:19 25/07/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, quá trình xây dựng Luật cần tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi của nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP các thời kỳ... Làm tốt công tác thông tin truyền thông để người dân thấy đây là "sản phẩm" của mình, do mình và cho mình. Cả nước thấy được Luật Thủ đô là Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội...

Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm

Chiều 25/7, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Cùng chủ trì có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Cùng chủ trì hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Cuộc làm việc nhằm đánh giá về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết 115/20220/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chủ trì hội nghị.

Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng Ban. Kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ năm 2022 đến nay, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật; đã ban hành Quyết định về Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngày 9/6 vừa qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.

Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm: Thứ nhất là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô.

Thứ hai là quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Thứ 3, Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua. Thứ 4, đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền TP.

Thứ năm là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp.

Chính vì vậy, đối với một số nội dung các bộ, ngành có ý kiến cần xem xét lại quy định để đảm bảo phù hợp với các Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Chủ tịch UBND TP nêu đề nghị, giữ lại các phương án ban đầu do Hà Nội đã đề xuất và bổ sung các điều kiện để kiểm soát chặt chẽ. "Đây là những nội dung quan trọng, cần thiết mà TP đã nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn trong quá trình tổng kết thi hành Luật Thủ đô và lập đề xuất chính sách, đánh giá tác động cụ thể trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết. Thời gian tới, Thành ủy sẽ báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị về những vấn đề này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo tại hội nghị.

Truyền thông để người dân thấy được "Luật Thủ đô là Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội"

Thảo luận tại cuộc làm việc, các ý kiến nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), việc xây dựng Luật không chỉ là trách nhiệm của TP Hà Nội, Bộ Tư pháp mà là trách nhiệm chung của cả nước, trong đó có các ủy ban của Quốc hội. Lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội cũng khẳng định, quy định các cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội là rất cần thiết, song phân cấp, ủy quyền mạnh phải gắn với cơ chế tạo điều kiện Hà Nội thực hiện và cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực tương ứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 23/10, có 3 việc liên quan đến Hà Nội, trong đó có nhiệm vụ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp thứ bảy. 

“Xây dựng Luật Thủ đô rất khó, đây là luật tác động rất rộng. Để quá trình xây dựng Luật theo lộ trình thuận lợi, đề nghị Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để ngay từ đầu, hồ sơ, tài liệu cũng như thời hạn trình các cơ quan của Quốc hội phải rất chuẩn chỉnh. Đồng thời, phải làm thật tốt công tác truyền thông, phải làm ngay từ bây giờ để tạo đồng thuận”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, với những cơ chế hiện hành và từ trước đến nay, về cơ bản Hà Nội cũng thực hiện giống như các tỉnh, TP khác, không có gì vượt trội, nên lợi thế của thành phố chưa có điều kiện phát huy. Việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong giai đoạn này là thời cơ vàng để Hà Nội phát triển khi TP đang Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trong bối cảnh rất khó khăn, nhưng Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, đạt được kết quả khá toàn diện, rất quan trọng; đặc biệt xuất sắc là Hà Nội sớm kiểm soát, đẩy lùi đại dịch, phục hồi kinh tế. Cách làm của Hà Nội rất bài bản từ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng 10 chương trình công tác của Thành ủy, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2023 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Các cụ nói “ngắn sào dễ trở”, nhưng quy mô của Hà Nội thì lớn mà TP xoay sở được trong bối cảnh khó khăn như vừa qua là rất tốt”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Về các nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP tập trung rà soát, làm rõ những mặt còn hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục. TP cần rà soát thêm về chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững; tăng tốc công tác quy hoạch; cải tiến các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh.

Lưu ý đối với quy định cho đô thị đặc biệt, Hà Nội có tỉ lệ đô thị hóa còn khiêm tốn, Chủ tịch Quốc hội đề xuất nên cần thiết có quy định để quản trị và có dư địa phát triển tốt hơn; cùng với đó là những vấn đề về nguồn lực để Thủ đô phát triển gồm nhân lực, vật lực và tài lực; giải pháp giải quyết những vướng mắc về đơn giá định mức đầu tư công, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp phân quyền… không để Luật Thủ đô trở thành luật “khung”, luật “ống”, cùng với đó là quy định về áp dụng pháp luật, bảo đảm thuận lợi trong áp dụng, tổ chức thực hiện.

Nhấn mạnh Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định những vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt và phải giải quyết khó khăn điểm nghẽn cho Thủ đô phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quá trình xây dựng Luật cần tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP các thời kỳ... "Làm tốt công tác thông tin truyền thông để người dân thấy đây là "sản phẩm" của mình, do mình và cho mình. Cả nước thấy được Luật Thủ đô là Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, Thủ đô của chúng mình", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chi Linh

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文