Xây dựng Phú Thọ thành trung tâm kết nối kinh tế giữa Việt Nam - ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc

07:44 04/09/2022

Trong chương trình công tác tại Phú Thọ, chiều 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, những tháng đầu năm 2022 và trong thời gian tới.

Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Tỉnh ủy Phú Thọ tại buổi làm việc cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, giải pháp vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và đạt được kết quả tích cực.

Trong năm 2021, tốc độ tăng GRDP đạt 6,28%, đứng thứ 21/63 cả nước và thứ 5 vùng Trung du và miền núi phía Bắc; quy mô kinh tế đạt 80.958 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố; xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD, xếp thứ 10/63 cả nước; giải ngân vốn đầu tư công đạt 87,6%, đứng thứ 8/63 cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán.

Đáng chú ý, cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; chỉ số PCI xếp thứ 20/63, đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc; chỉ số PAPI xếp thứ 6/63, tăng 32 bậc; chỉ số PAR Index xếp thứ 9/63, tăng 1 bậc; chỉ số SIPAS xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,8%; thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm đạt 6.289 tỷ đồng, bằng 111% dự toán năm; giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng bằng 55,9% kế hoạch, xếp 3/63 cả nước; văn hóa, xã hội được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được triển khai hiệu quả; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tỉnh ủy Phú Thọ kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số nội dung thuộc 05 nhóm vấn đề như: về phân cấp, phân quyền; cơ chế, nguồn lực để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; về bổ sung các quy hoạch, trong đó có quy hoạch các khu công nghiệp; hỗ trợ vốn, đầu tư các dự án; các kiến nghị đối với cơ chế xã hội hóa lĩnh vực y tế...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; những trăn trở và góp ý cho Phú Thọ để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững; giải đáp các vấn đề tỉnh Phú Thọ đề xuất, kiến nghị...

Bên cạnh đó lãnh đạo các bộ, ngành cũng đề nghị tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như: tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng; hình thành trung tâm logistics của vùng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển nông nghiệp sạch, bền vững...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, góp phần vào thành quả chung của cả nước. Qua khảo sát, Thủ tướng cảm nhận, diện mạo thành thị, nông thôn của Phú Thọ rất khang trang; tỉnh có khát vọng vươn lên; quan tâm đầu tư cơ sở giáo dục, y tế.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu vượt bậc, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa có đột phá; tăng trưởng các ngành chưa đồng đều; chưa tự cân đối được chi thường xuyên; chưa có nhà đầu tư lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất chưa được khắc phục triệt để; liên kết vùng và phát huy lợi thế so sánh còn hạn chế; giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao...

Trên cơ sở phân tích các mặt, Thủ tướng đề nghị, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phú Thọ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt tập trung thực hiện tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Về lâu dài Phú Thọ phải thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; dựa trên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Theo đó, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; cơ cấu lại để công nghiệp thực sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển; đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, thực phẩm... giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển đồng bộ hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Phú Thọ phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh như du lịch, vận tải, logistics đi đôi tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin; phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương.

Tỉnh cần tận dung tối đa cơ hội, nguồn lực cho đầu tư, phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư; tập trung xây dựng Phú Thọ thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh, Phú Thọ phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Dự án tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang thi công giai đoạn 1. Ảnh: TTXVN

Tỉnh phải chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế, hạ tầng chuyển đổi số; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh; thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; không ngừng cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý tỉnh phải bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Phú Thọ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đoàn kết nội bộ; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn của địa phương. Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết đối với từng đề xuất, kiến nghị và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Phú Thọ và các địa phương để giải quyết.

Thủ tướng chỉ rõ, những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó chủ trì, phối hợp giải quyết, vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.

* Trước đó, sáng cùng ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ tại TP Việt Trì. Bệnh viện được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động đầu năm 2019, với tổng số vốn đầu tư 1.447 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa, thuộc diện tự chủ 100%. Bệnh viện Sản nhi tọa lạc trên khu đất rộng 7ha, với quy mô trên 500 giường bệnh theo mô hình Bệnh viện – Khách sạn, đảm bảo tiêu chí Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Phú Thọ về giải quyết khó khăn của Bệnh viện, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, song có sự điều tiết, dẫn dắt của Nhà nước. Việc quản lý, đầu tư Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ theo hình thức xã hội hóa là mô hình mới, có ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, hoạt động của bệnh viện có một số khó khăn, đặc biệt là đang gánh khoản nợ khá lớn.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ rà soát, kiểm đếm lại toàn bộ dự án; rà soát cơ chế liên danh, liên kết đầu tư tại dự án; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập để gửi trình cấp có thẩm quyền xem xét. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Phú Thọ nghiên cứu để có phương án hỗ trợ như lãi suất, giá thuê đất... giảm gánh nặng cho Bệnh viện; để Bệnh viện có điều kiện phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ mô hình tự chủ, liên danh, liên kết này để tổng hợp rút ra những ưu điểm, nhược điểm để phát huy hoặc khắc phục.

* Cũng trong sáng 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Dự án có tổng chiều dài 40,2km; tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 3.712 tỷ đồng. Việc triển khai dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1, tuyến đường gồm 2 làn với tốc độ thiết kế 80km/h, nhưng giải phóng mặt bằng 4 làn xe, hoàn thành vào quý III/2023; dự kiến giai đoạn 2 triển khai sau năm 2025.

Kiểm tra tại hiện trường, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, cân đối, bố trí thêm khoảng 500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, gồm cả vốn Trung ương và địa phương, triển khai ngay việc xây dựng 4 làn xe, thay vì đợi tới sau năm 2025; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để hoàn thành toàn dự án trong thời gian sớm nhất, bảo đảm chất lượng, sớm phát huy hiệu quả của dự án; giao tỉnh UBND tỉnh Phú Thọ là chủ quản đầu tư đoạn qua tỉnh Phú Thọ, tỉnh Tuyên Quang là chủ quản đầu tư đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang sớm nghiên cứu việc kết nối giao thông từ trung tâm tỉnh tới các khu vực khác, đặc biệt là hồ Na Hang để sau khi tuyến cao tốc hoàn thành có thể nhanh chóng đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào địa phương.

* Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tại dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đang trong giai đoạn hoàn thiện, sắp sửa hoàn thành.

Tại đây, Thủ tướng chúc mừng trường được tỉnh đầu tư xây dựng mới; thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương đối với sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực, một trong những đột phá chiến lược, phục vụ phát triển đất nước.

Thủ tướng đề nghị nhà trường phát huy truyền thống của một trường chuyên hàng đầu của khu vực và cả nước; sử dụng công trình đúng mục đích, hiệu quả; phục vụ giáo dục toàn diện đức - tri - thể - mỹ cho học sinh; góp phần đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí cho địa phương, khu vực và cả nước.

* Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập và Trường THPT Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Phạm Tiếp

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文