Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Châu Á
Sáng 20/10, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký quyết định số 1261/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên-Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo quyết định, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên-Huế với 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên-Huế, khoảng 4.947 km2.
Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên-Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Đến năm 2045, Thừa Thiên-Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Quyết định nêu rõ trọng tâm nghiên cứu quy hoạch, cần phân tích bối cảnh phát triển của Thừa Thiên-Huế trong mối liên hệ vùng Đông Nam Á, hành lang Đông - Tây; mối quan hệ với các đô thị lân cận. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên-Huế, quy hoạch chung TP Huế, các quy hoạch và dự án đầu tư để xác định những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh trong giai đoạn mới.
Nghiên cứu các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hình thành và phát triển đô thị Thừa Thiên-Huế theo định hướng đô thị trực thuộc Trung ương với các tiêu chí đặc thù; rà soát định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai thực hiện để dự báo các nhu cầu, cơ hội phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh, hài hòa với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên trên địa bàn.
Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Tăng cường liên kết về giao thông kết nối với quốc tế, các đô thị lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng. Khắc phục các tồn tại, bất cập trong hệ thống hạ tầng nội vùng để liên kết khu vực đô thị trung tâm với khu vực đô thị vệ tinh, vùng miền núi phía Tây như Nam Đông, A Lưới.
Nghiên cứu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường của sông Hương gắn với trục cảnh quan trung tâm thành phố Huế; bảo vệ các vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Lập An; khai thác hiệu quả các khu vực ven biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu từ Phong Điền tới Phú Lộc; bảo tồn hiệu quả vườn quốc gia Bạch Mã, khu vực đèo Hải Vân gắn với phát triển du lịch bền vững. Xác định các khu vực cần bảo tồn xen lẫn trong khu vực đô thị; nhận diện và đề xuất giải pháp cho các không gian mang tính đặc trưng riêng của Huế như di sản Kinh thành, không gian sông Hương; các di sản văn hóa, lịch sử; di sản đô thị…
Theo quy hoạch, Thừa Thiên-Huế sẽ là đô thị loại 1 hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương có tiêu chí đặc thù. Đến năm 2030, đô thị Thừa Thiên-Huế có dân số khoảng 1,5 triệu người; đến năm 2045 khoảng 1,85 triệu người.