Xem xét nghĩa vụ người tiêu dùng kiện không đúng, gây mất uy tín nhà sản xuất

15:51 26/05/2023

Chánh án TAND Tối cao cho rằng, trong trường hợp người tiêu dùng đi kiện mà lại không đúng, lợi dụng việc đi kiện, làm mất uy tín của nhà sản xuất đứng đắn, nghiêm túc, gây thiệt hại cho nhà sản xuất thì cần xem xét nghĩa vụ của bên thua.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội sáng 26/5, một nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước và cả kỳ họp này đó là cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án. Về vấn đề này, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày tại hội trường trước khi Quốc hội tiến hành thảo luận cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên, vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1, điều 317, Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo luật.

đb.jpeg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, Điều 70 dự thảo quy định, một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng là quy định không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật. “Trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.

Có cùng quan điểm về giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) có tới 2 lần phát biểu tại hội trường, đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên. Theo đại biểu Lê Xuân Thân, mục tiêu đặt ra của dự án luật này là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1, điều 317, Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo luật.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Cũng phát biểu về thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp về quyền lợi của người tiêu dùng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rõ, Bộ luật Tố tụng dân sự không cấm các bộ luật khác quy định trình tự rút gọn và mở đường cho các bộ luật khác có thể quy định thủ tục rút gọn. “Nghĩa là không chỉ Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà chúng ta đang bàn đây, mà các luật khác, nếu có thể, đều có thể áp dụng rút gọn” - Chánh án TAND Tối cao giải thích.

Chánh án TAND Tối cao đồng tình với đại biểu Lê Xuân Thân và đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu trước đó, rằng quy định “trần” vụ việc có thể giải quyết rút gọn không được quá 100 triệu đồng không phải là bảo vệ người tiêu dùng mà hạn chế quyền của người tiêu dùng. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nói rõ: “Có những việc giá trị trên 100 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng, nhưng rõ ràng, thỏa mãn Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vẫn có thể thủ tục rút gọn”, đồng thời cho biết, kinh nghiệm thế giới xử lý các vụ án có quy mô nhỏ về giá trị thì giải quyết rất đơn giản.

Chánh án TAND Tối cao lấy ví dụ ở Đức, tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro thì tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, vì nếu như giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xong lại quay lại sơ thẩm thì chi phí của xã hội cho giải quyết một vụ án có quy mô nhỏ này còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp. "Quy định giá trị của tranh chấp để làm cho xã hội không phải mất công vào những chuyện lặt vặt", - Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói và lưu ý thêm, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam phải nội luật hóa nghĩa vụ của bên thua, tức là việc người tiêu dùng hay là trường hợp khác đi kiện mà thắng thì đương nhiên nhà sản xuất hay là nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường. Nhưng trong trường hợp người tiêu dùng đi kiện mà lại không đúng, lợi dụng việc đi kiện, làm mất uy tín của nhà sản xuất đứng đắn, nghiêm túc, gây thiệt hại cho nhà sản xuất thì pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng nghĩa vụ của bên thua.

“Tôi thấy việc đi kiện, sau đó đưa lên mạng công khai, đi kiện không có nghĩa người đi kiện là đúng, cho nên đưa lên mạng công khai thì điều này cần phải cân nhắc lại, bởi vì đây là quyền con người, quyền của doanh nghiệp, chưa chắc anh kiện đã đúng nhưng đã kiện xong đưa lên công khai thì điều này liên quan đến nghĩa vụ của bên thua” – Chánh án TAND Tối cao nêu quan điểm.

Phương Thuỷ

Đây là một nội dung đáng chú ý tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành.

Từ ngày 21/7, chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu phân phát tiền để toàn bộ người dân kích thích tiêu dùng nội địa, một động thái nằm trong gói hỗ trợ kinh tế đặc biệt trị giá hàng chục nghìn tỉ won, được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào đầu tháng 7.

Cô gái trẻ 20 tuổi bị nước lũ cuốn khi đang đi cắm trại cùng gia đình ven bờ sông Guadalupe, thành phố Ingram, hạt Kerr, bang Texas. Cô đã trôi qua 4 con đập và những cây cầu trước bám được vào một cành cây ở khu vực Center Point. Vị trí cô được tìm thấy cách nơi cắm trại 32km.

Reuters hôm 5/7 cho biết, truyền thông Iran cùng ngày đã đăng một video ghi lại cảnh Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei dự một sự kiện tôn giáo và đây là lần đầu tiên ông Ali Khamenei xuất hiện công khai kể từ khi xung đột Israel-Iran bùng phát.

Vừa qua, hàng loạt đường dây buôn bán, kinh doanh hàng giả với quy mô rất lớn, đủ chủng loại từ thực phẩm, thuốc, hàng tiêu dùng được các cơ quan chức năng triệt phá, được dư luận đồng tình ủng hộ. Nhưng qua các đường dây bị bóc gỡ cũng đã lộ ra nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, khiến hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành, trở thành vấn nạn, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Chợ tự phát ở TP Hồ Chí Minh mọc lên rất nhiều quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ truyền thống… Và chợ tự phát nào cũng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán đầy đủ các loại lương thực, thực phẩm như ở chợ truyền thống. Hình ảnh lấn chiếm lòng, lề đường cũng không còn ai phải để tâm nhiều, thậm chí còn xem đó là việc bình thường ở… chợ!

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.