Xử lý cán bộ nhũng nhiễu tự ý đặt ra thủ tục hành chính
UBND TP Hà Nội chỉ đạo người dân không phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra thủ tục không đúng quy định sẽ bị xử lý.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, TP chỉ đạo các đơn vị, địa phương xác định việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh…) là một nhiệm vụ trọng tâm, được tiến hành thường xuyên trên cơ sở huy động sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương quán triệt, chỉ đạo cụ thể việc không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn luật Cư trú.
Đối với các sở, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu để cung cấp dịch vụ chất lượng, hiệu quả.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu cán bộ, công chức thay đổi tư duy từ làm hộ, làm thay sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp. Cán bộ, công chức không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo quy định.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ xử lý những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Tại buổi họp báo chiều 9/3, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc Hà Nội kiện toàn bộ máy nhân sự, sau khi ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP bị khởi tố, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP cho biết, theo quy định của Chính phủ, số lượng Phó Chủ tịch UBND TP không quá 5 người, chưa kể những người thuộc diện luân chuyển từ Trung ương về.
TP Hà Nội hiện nay đang có 5 Phó Chủ tịch UBND TP, trong đó có 1 người là cán bộ thuộc diện Trung ương luân chuyển về. Như vậy, theo các quy định và TP đã xin với cơ quan Trung ương thì Hà Nội không có quá 6 Phó Chủ tịch.
Tại kỳ họp HĐND TP ngày mai (10/3), Hà Nội có xem xét về công tác nhân sự, nội dung này đang được thực hiện theo quy trình, quy định.
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét, thông qua 6 nội dung, trong đó có công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của HĐND TP.
Cụ thể, TP sẽ xem xét, thông qua 6 nội dung gồm: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; Điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn TP; Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030; phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội; Nghị quyết bãi bỏ quy định về lệ phí đăng ký cư trú đã quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 và Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND TP.
Đồng thời, HĐND TP cũng xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của HĐND TP.