“Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”

11:47 30/06/2022

Đã có hàng nghìn báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. 

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC)  giai đoạn 2012-2022, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trình bày tham luận: “Lực lượng Công an chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần vào công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định kinh tế - xã hội”.

Tiên phong, gương mẫu đi đầu                                     
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an và toàn lực lượng CAND luôn nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, TC. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương cùng tập thể Ban Thường vụ đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, xác định vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của lực lượng CAND trong công tác này. Phạm vi thực hiện ở cả bốn cấp Công an, trong cả các lực lượng, nhất là phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt như: CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Văn  phòng Cơ quan CSĐT; An ninh điều tra; An ninh kinh tế; An ninh chính trị nội bộ; Thanh tra, Uỷ ban kiểm tra... để bảo đảm vừa thực hiện tốt phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Công an, vừa thực hiện tốt phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng CAND.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. 

“Về PCTN, TC trong nội bộ, Đảng ủy Công an Trung ương đã quyết liệt chỉ đạo đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh. Đảng uỷ Công an Trung ương đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm các tầng nấc trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; thực hiện tốt chủ trương bố trí 100% Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương; 100% các xã có Công an chính quy. Quyết liệt trong quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần làm trong sạch lực lượng.

Từ năm 2012 đến nay, đã xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền gần 500 đảng viên, cán bộ sai phạm về hành vi tham nhũng, tiêu cực; 58 cán bộ bị chuyển xử lý hình sự.  Đặc biệt, đã xử lý 86 trường hợp về trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.

Nhận diện, tham mưu xử lý các “nhóm lợi ích”, “sở hữu chéo”

Công tác PCTN, TC theo chức năng của CAND đã được triển khai trên nhiều phương diện, từ phòng ngừa đến phát hiện, điều tra, xử lý, qua đó đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác PCTN, TC nói chung; góp phần ổn định, phát triển kinh tế, xã hội, ngăn chặn 4 nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Việc này được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Trên phương diện phòng ngừa: Các lực lượng trong CAND đã làm tốt công tác nắm tình hình trong và ngoài nước, hoạt động của các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính, tiền tệ, ngân hàng; triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong các cơ quan Nhà nước; công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc...

Các đại biểu dự Hội nghị.

Qua đó đã có hàng nghìn báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước qua các giai đoạn từ năm 2012 đến nay. “Điển hình như, đã nhận diện, tham mưu xử lý các “nhóm lợi ích”, “sở hữu chéo”, xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định thị trường tài chính, tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống ngân hàng giai đoạn 2012-2015; kiến nghị, tham mưu thực hiện tốt hơn công tác quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn, đấu thầu, đấu giá tại các doanh nghiệp Nhà nước; xử lý các vụ án, vụ việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, góp phần đưa giá cả các mặt hàng thiết yếu về đúng giá trị thực. Gần đây, qua việc nắm tình hình, xử lý các vụ án trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm lành mạnh thị trường, tạo tiền đề để phát triển bền vững” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn

Trong 10 năm qua, Cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã được đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá là một “điểm sáng”, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Giai đoạn 2012-2020, công tác điều tra đã có những bước tiến đột phá, làm rõ được bản chất của các vụ án, phân hóa trách nhiệm của từng đối tượng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, lực lượng CAND cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhưng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực không chùng xuống mà tiếp tục có những bước tiến mới. Điểm nổi bật là, đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người” (điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng các chính sách phòng chống dịch COVID- 19 để trục lợi...). Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ (điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...).

Việc phát hiện, xử lý án tham nhũng ở các địa phương cũng có chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Đảng ủy Công an Trung ương đã kiên trì chỉ đạo thực hiện chủ trương phân cấp điều tra án tham nhũng cho Công an các địa phương, gắn với hướng dẫn, hỗ trợ của các Cục nghiệp vụ. “Thực tế đã chứng minh chủ trương này là đúng đắn, nếu năm 2016 có 11 địa phương không có án tham nhũng khởi tố mới thì năm 2021, 100% Công an các địa phương đã khởi tố được các vụ án tham nhũng, nhiều địa phương thực hiện tốt việc điều tra các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC theo dõi, chỉ đạo (điển hình như Công an TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Phú Thọ...)” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Chống tham nhũng, tiêu cực không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm

Đồng chí Thứ trưởng nêu rõ, công tác hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế cũng đạt được kết quả tích cực, nhất là trao đổi thông tin, bắt giữ, dẫn giải tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Qua công tác điều tra, lực lượng CAND đã chứng minh làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, không phải mang tính chất hệ thống, phần lớn người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho     Nhà nước (nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt).

“Những kết quả trên, đã góp phần đập tan những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước cho rằng chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực vì phe nhóm, nhất là thời điểm Đảng ta tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021); đồng thời, khẳng định rõ chống tham nhũng, tiêu cực không làm cản trở phát triển kinh tế- xã hội, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định và cho biết, kết quả chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần từng bước làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ, đưa giá trị xuất đầu tư và giá cả một số mặt hàng quay về giá trị thực..., đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của đất nước trong những năm qua.

Phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu

Thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục thực hiện tốt đồng thời cả công tác PCTN, TC trong nội bộ và công tác PCTN, TC theo chức năng, nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về những vấn đề liên quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ, chủ động nhận diện, phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”... tạo sự răn đe, chuyển biến lan tỏa toàn quốc.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chủ động tấn công, tạo chuyển biến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ nòng cốt có chức năng phòng, chống tham nhũng trong CAND, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, bản lĩnh, trí tuệ... gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới".

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng  kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC một số nội dung như cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. Trong đó, quy định cụ thể thời hạn nhiều nhất tất cả các cơ quan, đơn vị phải được kiểm tra, giám sát (tránh trường hợp có nơi thì kiểm tra nhiều lần nhưng có nơi không kiểm tra) và thời hạn nhất định phải khắc phục khuyết điểm sau khi kiểm tra, giám sát và cơ chế tái kiểm tra việc khắc phục khuyết điểm... Bên cạnh việc tập trung xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm việc tháo gỡ khó khăn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện tốt điều này, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đăng ký phương tiện giao thông, quản lý thuê bao di động, loại trừ sim rác, quản lý tài khoản ngân hàng, cấp hộ chiếu, thuế, bảo hiểm...), góp phần chủ động phòng ngừa “tham nhũng vặt”, cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

“Đảng ủy Công an Trung ương nhận thức rất rõ trọng trách mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng, giao phó, luôn khắc cốt ghi tâm “Còn Đảng thì còn mình, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.

Phương Thuỷ

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文