Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình

12:35 16/08/2022

Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và đồng thời những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để mối quan hệ trở nên tốt hơn.

Sáng 16/8, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Nhiều người không có quan hệ gia đình nhưng dễ nảy sinh bạo lực

Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (UBXH) Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ khoản 2 về áp dụng đối với người đã ly hôn; thành viên gia đình là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng và con của họ; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi; hoặc bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.

Tuy nhiên, Thường trực UBXH thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không, chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

"Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và đồng thời những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để mối quan hệ trở nên tốt hơn. Do vậy, Thường trực UBXH đề nghị cho giữ quy định khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật" - Chủ nhiệm UBXH Nguyễn Thúy Anh phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ băn khoăn, nếu xét cả đối tượng đã ly hôn thì nhiều trường hợp chưa hợp lý. Ví dụ hành vi bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thành viên gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, nếu xảy ra trong một gia đình hợp pháp thì rất ổn, nhưng trong trường hợp vợ chồng ly hôn, người vợ có thai với người khác mà xử lý người chồng đã ly hôn về hành vi bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc phụ nữ có thai thì không phù hợp.

"Hoặc người phụ nữ đang trong cuộc sống hôn nhân nhưng bỏ chồng ở với người khác, có thai với người đó xong quay lại yêu cầu ông chồng phải chăm sóc cũng không hợp lý", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu dẫn chứng.

Đơn giản quy trình, thủ tục để nạn nhân không bị "bạo lực kép"

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng băn khoăn khoản e, Điều 3 về ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh. "Có gia đình con, cháu 16-17 tuổi cuối tuần không chịu đi học mà ra khỏi nhà đi phượt với bạn bè, quan hệ xã hội rất lành mạnh nhưng do nghỉ học nên cha mẹ, gia đình không cho. Như vậy có câu hỏi đặt ra, không cho đi thì có bị coi là bạo lực gia đình hay không?", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách ví dụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Rồi về khoản l, cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn trường hợp cán bộ, đảng viên khi con có quan hệ với người nước ngoài, nhân thân không tốt, cha mẹ có ý khuyên không cưới, thì có bị coi là bạo lực gia đình hay không.

Về khoản o, cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng tạo ra nhiều băn khoăn. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Ynê Kđăm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, quá trình xây dựng luật Ban soạn thảo đang để chung vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em, lồng ghép vào phòng, chống bạo lực gia đình mà không có điều riêng, quy định riêng. Trong khi trẻ em là đối tượng đặc thù, còn nhỏ, chưa có năng lực nhận thức, phòng, chống hay nhiều điều không áp dụng được cho lứa tuổi này, mong Ban soạn thảo cân nhắc thêm.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, quy trình, thủ tục báo cáo các vụ việc bạo lực gia đình, hiện đang phức tạp, có thể làm cho nạn nhân ngại tiếp xúc chính quyền. Theo quy tình phải viết đơn đề nghị, trong khi nhiều người không biết trình bày lý do như thế nào hoặc bị người nhà đe dọa, ngăn cản...; các thủ tục xử lý hành chính các vụ việc bạo lực gia đình tương đối phức tạp, các biện pháp cấm tiếp xúc, bảo vệ nạn nhân thường chưa thực sự bảo vệ nạn nhân, dẫn tới nạn nhân có thể chịu "bạo lực kép" từ gia đình và xã hội. Từ đó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị nghiên cứu đơn giản quy trình báo cáo, giúp người bị bạo lực dễ tiếp cận và đảm bảo quyền riêng tư của họ...

Điều 3 dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định hành vi bạo lực gia đình:

1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cưỡng ép chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

d) Bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc;

đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

e) Ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc các hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

h) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

k) Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực;

l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; 

n) Chiếm đoạt, huỷ hoại tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình;

o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

p) Cô lập, giam cầm hoặc cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật;

q) Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức thành viên khác trong gia đình thực hiện hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản này.

2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; thành viên gia đình là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng và con của họ; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Quỳnh Vinh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文