Xứng đáng là tờ báo của lực lượng CAND trong giai đoạn mới

15:01 05/11/2024

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

1. Trong số 6 cơ quan báo chí nêu trên, Báo CAND có bề dày truyền thống gần 80 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu từ tờ Công an Mới, phát hành số đầu tiên ngày 1/11/1946. Trải qua những giai đoạn lịch sử cách mạng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ những tờ báo tiền thân như Công an Mới, Rèn luyện, Bạn dân... đến Báo CAND hiện nay đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh tờ báo của lực lượng CAND, góp phần vào những thành tích, chiến công của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) với nhóm phóng viên Báo CAND tại lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2023 (ngày 21/6/2024)

Vinh dự đặc biệt với các thế hệ làm Báo CAND, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên đọc các ấn phẩm báo chí của lực lượng Công an và có huấn thị về công tác làm báo, nhiệm vụ của báo chí. Trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII (ngày 11/3/1948), Bác đã có những căn dặn cụ thể, sâu sắc về cách làm tờ báo Bạn dân, sao cho thiết thực, hiệu quả: ...“Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực để mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an Nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc”... Cũng trong bức thư này - một di sản vô giá với lực lượng CAND nói chung và những người làm báo Công an nói riêng, Người đã nêu 6 điều “Tư cách người Công an Cách mệnh” mà trong gần 8 thập kỷ qua, là tiêu chí và kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phấn đấu, thực hiện.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo CAND số ra ngày 25/7/1969 (ảnh trái); Báo Công an Mới (tiền thân của báo CAND ngày nay) số đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 1/11/1946 (ảnh phải)

Ngoài bức thư gửi đồng chí Giám đốc Công an khu XII, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên đọc và có lưu bút trên một số tờ báo Công an hoặc có thư gửi lãnh đạo các cấp lưu ý việc khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến được Báo CAND phản ánh... Tháng 11/1962, qua đọc Nội san CAND có bài về đồng chí Nguyễn Văn Ân (Công an TP Hải Phòng) dũng cảm cứu sống 2 em nhỏ bị đuối nước, Bác đã thưởng huy hiệu cho đồng chí Ân; đây là chiến sĩ CAND đầu tiên được thưởng huy hiệu của Người... Báo CAND số 462 (ra ngày 25/7/1969) có bài phản ánh kết quả công tác phòng, chống buôn lậu, trộm cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước; Bác ghi bằng bút đỏ lên đầu trang báo hai chữ “Nên khen” và mở ngoặc “(đã nói với A.Hoàn rồi)”. “A.Hoàn” là đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an khi đó.

Các thế hệ làm Báo CAND cũng luôn nhận được sự quan tâm chăm lo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an qua các thời kỳ; được bạn đọc quan tâm, tin yêu. Ngay khi Báo Công an Mới phát hành số đầu, đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương - người đứng đầu lực lượng CAND thời kỳ này đã trực tiếp chỉ đạo nội dung. Những giai đoạn sau, người đứng đầu lực lượng Công an như các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng,... cũng luôn quan tâm chỉ đạo. Trong kháng chiến chống Pháp, có thời gian đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo, duyệt nội dung Báo CAND.

Đoàn đại biểu Báo CAND báo công, dâng hương tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An năm 2022. Ảnh: Hoàng Lâm.

Không chỉ nhận được sự quan tâm chỉ đạo, Báo CAND còn được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp viết bài, cộng tác với Báo, như các đồng chí Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Trần Bạch Đằng, Vũ Khoan... Báo CAND cũng thu hút được sự cộng tác của các chuyên gia nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ tên tuổi, cộng tác viên ở khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần làm cho tờ báo có sức lan tỏa, hấp dẫn và tính chiến đấu cao hơn.

Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, khi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Công an đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với Báo CAND. Trong lần đến thăm, chúc mừng Báo CAND nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (tháng 6/2020), Bộ trưởng Tô Lâm đã dành gần 2 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu của cán bộ, phóng viên và có những chỉ đạo cụ thể với công tác báo chí. Từng có thời gian cộng tác viết bài cho một số tờ báo lớn từ khi còn là một cán bộ trẻ, Bộ trưởng Tô Lâm rất am hiểu công tác làm báo và gợi mở nhiều vấn đề tại buổi làm việc. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh vai trò của báo chí, tuyên truyền và dẫn chứng: “Các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, có nhiều người trực tiếp viết báo, làm báo và coi báo chí là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, tổ chức lực lượng cách mạng. Bác Hồ là vị lãnh tụ, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và nhiều vị lãnh đạo tiền bối như Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... đều làm báo. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều năm làm báo, từng giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản...”.

Hoạt động của Công đoàn cơ sở Báo CAND trong chuyến về nguồn, thăm và tặng quà tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Hôm đó, những người làm Báo CAND rất xúc động và nức lòng khi Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: "Báo CAND luôn đồng hành với mỗi bước trưởng thành của lực lượng CAND. Nói đến báo chí Công an là phải nói đến Báo CAND".

Trong buổi thăm và làm việc đó, đồng chí Tô Lâm đã có những chỉ đạo, giải đáp cụ thể và bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến đời sống, cơ sở vật chất của những người làm báo. Đồng chí khẳng định, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tạo điều kiện để Báo CAND có một “trụ sở riêng, gần dân, thuận tiện cho hoạt động báo chí”... Nhờ sự quan tâm của Bộ trưởng Tô Lâm, nay là Tổng Bí thư, từ ngày 1/7/2021, trụ sở Báo CAND được chuyển về vị trí mới bên Hồ Gươm (số 2A Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Đó là tòa nhà 7 tầng có kiến trúc đẹp, nằm sát Bưu điện Bờ Hồ, thuộc vùng lõi của không gian văn hóa, lịch sử Hồ Gươm.

Đoàn viên thanh niên Báo CAND tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Cục Truyền thông CAND lần thứ nhất.

2. Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao. Làm thế nào để tiếp tục phát huy truyền thống gần 80 năm của Báo CAND và xây dựng thành một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đặt ra, trước hết là với những người làm Báo CAND và các cơ quan chức năng, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí.

Hiện nay, báo chí đang phải cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội, trong bối cảnh Việt Nam có khoảng 70 triệu người thường xuyên sử dụng internet và hàng chục triệu người dùng điện thoại thông minh. Đó không chỉ là cuộc đua giành bạn đọc, công chúng giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với nhau mà còn giữa báo chí với mạng xã hội. Bạn đọc có thể hiếu kì với những thông tin từ mạng xã hội, song báo chí có tính xác thực và tính định hướng vẫn là yếu tố căn bản để bạn đọc tin yêu. 

Chưa bao giờ trong lịch sử hàng trăm năm hình thành, phát triển, nền báo chí toàn cầu đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội và nhiều nguyên nhân khác; và Việt Nam cũng không có may mắn được đứng ngoài, nhất là với báo in. Trong khi báo điện tử thì chưa có cơ quan báo chí nào thu được tiền từ bạn đọc, tất cả đều được “free” khi xem báo điện tử.

Những khó khăn và thách thức đó, dẫn chứng một cách đơn giản: mỗi khi tòa soạn nhận được cuộc điện thoại đặt báo in hằng tháng thì niềm vui của anh chị em phát hành cứ lâng lâng cả ngày. Hoặc, đến nhà một người bạn, thấy chồng báo có tờ báo in... hay đi trên phố thấy một độc giả đang cầm trên tay ấn phẩm của bản báo thì niềm vui thật khó diễn tả. Trong lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2024, trên đường phố xuất hiện hình ảnh nhiều người dân cầm trên tay tờ báo có in tràn trang ảnh chân dung đồng chí cố Tổng Bí thư, trong đó Báo CAND có ấn phẩm Chuyên đề An ninh Thế giới Cuối tháng 7/2024. Đó cũng là một hình ảnh ấn tượng với báo in hiện nay...

Đặc biệt hơn với Báo CAND, vài năm trước, nhân ngày 21/6, một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đến thăm và chúc mừng. Nói chuyện thân tình với cán bộ, nhân viên tòa soạn, đồng chí nhận xét: “Báo CAND có nhiều tin bài tốt. Đặc biệt là ấn phẩm An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng; thưa với các đồng chí, tôi không bỏ sót số báo nào, đọc kĩ nhiều bài; hàm lượng tri thức rất cao, giúp bạn đọc có thêm thông tin bổ ích, mở mang kiến thức”.

Và, nhiều gia đình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an vẫn lưu giữ những tờ Báo CAND và các ấn phẩm của báo qua các thời kỳ vì có bài viết về những chiến công nổi bật, đặc sắc của lực lượng CAND hoặc tin, bài viết về ông bà, cha mẹ, thân nhân của họ... Có niềm vui nào hơn thế chăng?

Rồi, một câu chuyện buồn mà cũng có niềm vui trong đó. Ngày 1/8/2022 xảy ra vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong quá trình chữa cháy, cứu người, 3 người lính cứu hỏa đã dũng cảm hy sinh, trong đó có Thượng úy Đỗ Đức Việt. Cái tin bàng hoàng đó khiến bao người đã lặng đi rồi bất ngờ, trên một số trang mạng xã hội lan truyền tấm ảnh chụp trang 1 Báo CAND số 4698, ra ngày 7/6/2018, ở phần chân trang 1 có tin ngắn: “Học viên Cảnh sát giúp 2 cụ bà gánh rau băng qua đường”. Nam học viên đó chính là Đỗ Đức Việt!

Báo CAND số 4698, ra ngày 7/6/2018, ở phần chân trang 1 có tin ngắn: “Học viên Cảnh sát giúp 2 cụ bà gánh rau băng qua đường”. Nam học viên đó chính là Đỗ Đức Việt. 

Nội dung tin cho hay: Đỗ Đức Việt, 20 tuổi, sinh viên Đại học Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hiện đang thực tập tại Phòng Cảnh sát PCCC số 9, quận Hà Đông, Hà Nội. Việt cho biết, đang trên đường đi làm từ cơ quan về, đứng chờ đèn đỏ ở ngã ba Ba La (Hà Đông) thì cậu gặp 2 bà cụ gánh rau đang loay hoay không biết qua đường thế nào. Không một chút ngần ngại, cậu đã chạy lại, đỡ gánh rau giúp các cụ băng qua đường... Đỗ Đức Việt chia sẻ: "Mình đơn giản chỉ là thấy người già khó khăn thì giúp đỡ. Điều làm mình vui nhất không phải những lời khen, mà là thấy ấm lòng khi được bà cụ cho nải chuối tiêu ăn rất ngọt và thơm".

Qua tìm hiểu, được biết hình ảnh trên do một người thân trong gia đình Đỗ Đức Việt lưu giữ hơn 4 năm qua; khi xảy ra sự việc đau lòng, gia đình mới tìm lại tờ Báo CAND từng đăng tin về chàng sinh viên giúp 2 cụ bà qua đường, chụp lại bài báo và đưa lên Facebook.

Vậy là một tờ báo in vẫn được lưu giữ sau hơn 4 năm phát hành và chắc chắn nó còn được lưu giữ và “sống” thêm nhiều năm nữa!

Đó là sự động viên, khích lệ không hề nhỏ với những người làm báo.

Bạn đọc với ấn phẩm An ninh thế giới giữa tháng - cuối tháng tại một quán cà phê ở TP Hồ Chí Minh.

3. Những khó khăn của báo chí có nhiều, về cơ chế chính sách, về lượng phát hành báo in giảm rất sâu, lượng truy cập báo điện tử không ổn định, doanh thu quảng cáo cũng giảm sút nhiều... Đáng lo hơn là tình trạng thông tin bị phong tỏa. Gần đây, một vị lão báo từng là người đứng đầu cơ quan báo chí hàng đầu của quốc gia, trong lần trò chuyện với phóng viên Báo CAND còn cho biết: “Phong tỏa thông tin là tình trạng đáng lo ngại. Khi phóng viên đến lấy tin, nhiều cá nhân, đơn vị tìm cách từ chối... Tôi phải góp ý với họ, đây là cơ quan báo chí hàng đầu của đất nước và phóng viên hoạt động theo Luật Báo chí, các anh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin”.

Và, dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2024, tại một cuộc gặp mặt báo chí, có vị lãnh đạo một cơ quan báo chí lớn phải “kể khổ” với cấp trên: Báo chí cần phải có nguồn tin nóng sốt, chính xác từ người có trách nhiệm, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có nhiều thông tin báo chí biết nhưng không kiểm chứng được, nên không thể đăng. Trong khi đó, không ít trang mạng xã hội thoải mái đăng, phát, bình luận về vấn đề mà báo chí chưa biết hoặc chưa thể đăng, khiến người đọc tò mò, tìm cách truy cập để biết tin nóng sốt. Dù có tin đúng, tin sai, song các Facebooker này cho thấy, họ có nguồn tin trước báo chí nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần và vì thế công chúng tìm đến họ là lẽ tự nhiên.

Các ấn phẩm của Báo CAND vẫn luôn là món ăn tinh thần tin cậy, hấp dẫn với độc giả mọi lứa tuổi.    Ảnh: Thế Phong.

Báo chí vốn là một nghề nguy hiểm, cực nhọc nhưng hiện nay nó còn là một nghề nhiều cám dỗ và cạm bẫy... Nhưng, nói đi thì phải nói lại, báo chí cũng có những gam màu sáng và tươi mới. Từ cấp Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương đều có sự quan tâm tới báo chí, dù ở mức độ khác nhau. Bằng chứng là các cuộc gặp mặt báo chí, họp báo hằng tháng, quý hoặc dịp cuối năm đều sôi động, hữu ích. Nhất là với Bộ Công an, các cuộc họp báo đều thu hút sự chú ý, háo hức của anh em phóng viên vì có nhiều tin nóng, sốt dẻo...

Tự hào truyền thống 78 năm xây dựng, trưởng thành, đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, những người làm Báo CAND nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, để xây dựng tờ báo trong giai đoạn mới. Mỗi cán bộ, phóng viên cần nỗ lực thay đổi, trau dồi kiến thức và kĩ năng để thích ứng với sự phát triển của báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và hiệu quả của lãnh đạo Bộ Công an, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi cán bộ, phóng viên, nhất định Báo CAND sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh tờ báo của lực lượng CAND trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Trần Duy Hiển

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文