Xung lực mới cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Lào-Campuchia

08:37 14/07/2024

Những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm đến Lào và Campuchia có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ giữa Việt Nam hai nước láng giềng thân thiết.

Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Tối 13/7, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao đã về tới Sân bay Quốc tế Nội Bài, thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni.

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm kể từ khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị mới, qua đó thể hiện thông điệp rất quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia.

Chuyến thăm không chỉ khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam với Lào và Campuchia mà còn tạo thêm xung lực mới cho mối quan hệ giữa Việt Nam với hai nước vừa là láng giềng, vừa là hữu nghị truyền thống.

Những kết quả đạt được trong chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, hai nước láng giềng thân thiết có quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó lâu đời đối với Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường sự gắn kết, hợp tác truyền thống, hiệu quả giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Trong vòng chưa đầy 3 ngày thăm Lào và Campuchia, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chương trình hoạt động liên tục, với 32 hoạt động, bao gồm các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với tất cả lãnh đạo cấp cao hai nước, thăm các cơ sở kinh tế, gặp, nói chuyện với học sinh, sinh viên, cộng đồng kiều bào tại hai nước.

Nhân dịp này, lãnh đạo các ban, bộ, ngành cũng đã có các cuộc làm việc với các đối tác của Lào và Campuchia để trao đổi các nội dung hợp tác cụ thể.

Trong thời gian ở thăm Lào từ ngày 11 đến 12/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, các cuộc hội kiến Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Lào; các cuộc tiếp Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào-Việt Nam; cũng như tới thăm hỏi các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào; và một số hoạt động quan trọng khác.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chụp ảnh chung.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào thể hiện sự trọng thị đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với đất nước Lào anh em. Những cái bắt tay, những cái ôm thắm thiết, sự đón tiếp nồng hậu, thân tình mà các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào dành cho Chủ tịch nước và Đoàn cũng đã thể hiện tình cảm đặc biệt, đồng thời cũng là minh chứng về mối quan hệ đặc biệt “có một không hai” trên thế giới giữa Việt Nam và Lào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cảm ơn Chủ tịch nước Tô Lâm đã mang đến Lào tình cảm hữu nghị chân thành, đoàn kết, gắn bó keo sơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em; đồng thời khẳng định sẵn sàng phối hợp với Chủ tịch nước Tô Lâm phát huy mối quan hệ “có một không hai” trên thế giới ngày càng bền vững và hiệu quả.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai nước bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua, trong đó tiếp tục thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, qua đó giúp tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy ở mức cao nhất.

Trong bầu không khí hữu nghị, thắm tình đồng chí anh em, lãnh đạo hai nước đã trao đổi tin cậy, chân thành và thẳng thắn về các định hướng, biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp hiện nay, hai nước càng cần tăng cường tham vấn, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua các thách thức, khó khăn; cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên cũng nhất trí trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến đổi nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, càng cần tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác.

Có thể thấy, quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng tốt đẹp và gắn bó trên cơ sở truyền thống lâu đời, được nhiều thế hệ người Việt Nam vun đắp, đóng góp xây dựng, ngày càng phát triển và đây là những tiền đề rất quan trọng cho sự ổn định và phát triển của hai nước. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đều có trách nhiệm xây dựng, vun đắp, gìn giữ, củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt này.

Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đến tận nơi đoàn lưu trú để tiễn Chủ tịch nước Tô Lâm, một cử chỉ đặc biệt trong ngoại giao, thể hiện rõ sự trọng thị đối với chuyến thăm của Chủ tịch nước, cũng như đối với mối quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia.

Tại Campuchia, từ ngày 12-13/7, Chủ tịch nước đã hội kiến Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni; chào Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk; hội đàm với Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary.

Những tình cảm và sự đón tiếp nồng hậu, chân tình mà Hoàng gia và các nhà lãnh đạo Campuchia dành cho Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chắc chắn sẽ tạo xung lực mới, thúc đẩy phát triển sâu sắc, toàn diện và mạnh mẽ hơn quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia; cũng như thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như tại ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong và Liên hợp quốc...

Quốc vương Norodom Sihamoni chúc mừng những thành tựu đối nội, đối ngoại của Việt Nam thời gian qua theo đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, giúp Việt Nam có được vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên bày tỏ vui mừng quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển ổn định, tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước ngày càng được thắt chặt; thương mại giữa hai nước đang là điểm sáng với mức tăng trưởng ấn tượng.

Lãnh đạo hai nước mong rằng trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa, khoa học-kỹ thuật và giao lưu nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng trên tinh thần láng giềng hữu nghị, đoàn kết gắn bó.

Hai bên cũng khẳng định tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, được dày công vun đắp bằng biết bao công sức và cả máu xương của các thế hệ đi trước, là tài sản vô giá cần được lưu giữ cho thế hệ mai sau; khẳng định sẽ tiếp tục vun đắp cho quan hệ tốt đẹp đó, đồng thời quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng, giáo dục thế hệ trẻ hai nước hiểu đúng về sự gắn bó, đoàn kết, hy sinh cho nhau giữa hai nước, hai dân tộc và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Chủ tịch Đảng CPP, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Chủ tịch Đảng CPP, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia lần đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch nước Tô Lâm; khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa hai nước.

Lãnh đạo Việt Nam và Campuchia đều bày tỏ trân trọng sự giúp đỡ, đoàn kết, gắn bó và hy sinh cho nhau trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, khẳng định đó là chân lý không thể phủ nhận.

Chủ tịch Đảng CPP, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen dành nhiều lời tình cảm khắc ghi về sự giúp đỡ, hy sinh của Việt Nam trong việc giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và hồi sinh đất nước Campuchia.

Hai bên đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa giá trị lịch sử của quan hệ Việt Nam-Campuchia và thống nhất cao cần đẩy mạnh đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục để nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, hiểu biết, nhận thức đúng đắn về quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Như lời khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tháp tùng đoàn sau chuyến đi, chuyến thăm đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, khẳng định quyết tâm cao của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lào, Campuchia phát triển hơn nữa mối quan hệ vĩ đại Việt Nam-Lào và mối quan hệ gắn bó keo sơn Việt Nam-Campuchia vì lợi ích thiết thực của người dân mỗi nước và ba nước.

Theo TTXVN

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Tiếp tục quá trình điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu, nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Bình, trong 2 ngày 15 và 16/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố 11 bị can có liên quan và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文