Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ 14 công trình trọng điểm tại Cần Thơ
14 công trình trọng điểm đã và đang triển khai được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển rất mới cho Cần Thơ, thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.
Ngày 7/6, Ban cán sự Đảng UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị “Báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các công trình, chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố”.
Đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết trên địa bàn thành phố có 14 công trình trọng điểm, t5rong đó 9 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 2 dự án trọng điểm của Trung ương và 3 dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Trong 9 dự án sử dụng vốn ngân sách, có 5 dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, 3 dự án đã phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.513 tỷ đồng, gồm Trụ sở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, Thư viện thành phố và Dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm.
2 dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đề xuất chủ chương đầu tư là Dự án Khu hành chính TP Cần Thơ và Xây dựng hạ tầng cho Trung tâm điều hành thông minh IOC.
Còn lại là 3 dự án đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 14.732 tỷ đồng, gồm: Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, Dự án Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ và Bệnh viện Ung Bướu.
Hai dự án trọng điểm của Trung ương là Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1. Dự án thành phần 2 đoạn qua TP Cần Thơ do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 9.725 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương là 1.000 đồng và đã được bố trí trong tháng 3/2023 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Ba dự án đầu tư ngoài ngân sách, gồm: Dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Cần Thơ, Cụm nhiệt điện Ô Môn, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Tại hội nghị, Ban cán sự Đảng UBND TP Cần Thơ cũng nêu một số vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, các công trình tăng vốn…
Theo đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện nay các dự án, nhất là các dự án về giao thông đều tăng vốn. Dự án đường tỉnh 917, 918, 921, 923, tăng gần 1.000 tỷ đồng; dự án đường Vành đai phía Tây cũng tăng 1.000 tỷ đồng, dự án cải tạo 5 nút giao thông tăng 1.500 tỷ đồng… Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tái định cư tăng liên tục, từ đây tới năm 2025 nhu cầu cần tới 10.000 nền.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đề cập đến việc triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách theo đúng Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông. Các dự án khu tái định cư phải làm thật tốt để thuyết phục người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. “Khu tái định cư phải đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để người dân vào đó thay đổi cuộc sống, người được nhận tái định cư thấy xứng đáng”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói.
Ban cán sự Đảng UBND thành phố phải xác định nguồn tái chính huy động để có nguồn vốn phục vụ các công trình đã có chủ trương thực hiện. Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng không thể dựa vào nguồn thu ngân sách, vì nguồn này chủ yếu phục vụ cho chi thường xuyên. “Vay kho bạc, phát hành trái phiếu, đấu giá quỹ đất công, huy động nguồn lực, cơ chế tài chính khác để có nguồn vốn đầu tư cho các dự án”, Bí thư Thành ủy lưu ý.
Các ủy viên Ban thường vụ Thành ủy đã được phân công theo dõi các công trình, dự án thấy cá nhân nào làm tốt như đảm bảo dự án khởi công đúng tiến độ, bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo thi công tốt, mạnh dạn đề xuất Thành ủy có hình thức khen thưởng kịp thời để tạo động lực cho cán bộ, qua đó để đánh giá năng lực, cất nhắc trong bố trí cán bộ.