Bảo vệ quyền lợi người cho vay trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng
Thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp khiến cho các công ty tài chính, tín dụng gặp phải không ít rủi ro, thậm chí là đối diện nguy cơ mất trắng khoản cho vay. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật là cần thiết để yêu cầu người vay tiền thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng trước đó.
Nhiều rủi ro khi thủ tục cho vay quá đơn giản
Vay tiêu dùng đã không còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam. Ra đời muộn hơn nhưng loại hình này đang trở thành xu hướng được nhiều người dân lựa chọn. Dù được cấp phép hoạt động theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều công ty tài chính, tín dụng đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh bị bùng nợ, trốn nợ do người vay không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết.
Luật sư Trần Văn Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, dịch COVID-19 kéo dài khiến cho đời sống của đại bộ phận người dân điêu đứng. Trong khi ngân hàng đưa ra nhiều thủ tục khắt khe, thời gian xét duyệt cho vay có thể kéo dài, nhiều người đã tìm đến các công ty tài chính, tín dụng như một lựa chọn để đảm bảo tiêu dùng.
“Pháp luật hiện nay không bắt buộc trong hoạt động cho vay phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Pháp luật cho phép công ty tài chính có thể thỏa thuận với khách hàng về việc này, theo quy định nội bộ của công ty tài chính. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới việc các công ty tài chính, tín dụng khó thu hồi nợ”, luật sư Huy chia sẻ.
Phân tích cụ thể hơn, theo luật sư Huy, các công ty tài chính có thể cho vay theo kiểu dân gian hay gọi đó là “tín chấp” hay nói cách khác “vay không có tài sản đảm bảo”. Thực tế hiện nay, các hồ sơ vay với những khoản vay nhỏ thường là dưới 100 triệu đồng chỉ cần thông tin cá nhân như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế và không cần có tài sản bảo đảm. Chính vì thủ tục vay quá đơn giản như vậy nên không ít công ty gặp phải tình trạng người vay cố tình trốn tránh, chây ì, không trả nợ theo thỏa thuận ban đầu.
“Điều này có thể xuất phát từ việc người vay không có khả năng trả nợ do có khó khăn về kinh tế, nhất là sau đợt dịch bệnh COVID-19 kéo dài vừa qua. Tuy nhiên cũng có những người từ ban đầu khi vay tiền đã có ý định chiếm đoạt nên cố tình chây ì, không trả nợ”, Luật sư Huy lý giải.
Một nguyên nhân khác khiến tình trạng bùng nợ có xu hướng gia tăng được vị luật sư chỉ ra, đó là các quy định của pháp luật còn chưa thật sự chặt chẽ. Điển hình như các quy định của pháp luật đối với hoạt động cho vay tín chấp của các công ty tài chính chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hiện nay, có thực trạng, người đi vay mà hồ sơ chỉ cần thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, ảnh cá nhân, ký thêm hợp đồng vay. Đến hạn, họ lại không có tài sản nào để thanh toán cho khoản nợ. Điều này khiến cho các công ty tài chính không biết bao giờ có thể thu hồi nợ được. Nếu có cũng kéo dài rất lâu và phải mất nhiều công sức.
“Trong trường hợp 2 bên không thỏa thuận được khoản nợ phải trả thì bắt buộc phải khởi kiện đến tòa. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng tại tòa lại phức tạp và mất nhiều thời gian, chi phí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc nhiều con nợ có tâm lý rằng, các công ty tài chính, tín dụng không làm gì được họ”, Luật sư Huy chia sẻ.
Pháp luật cần hoàn thiện để bảo vệ bên cho vay
Trong bối cảnh hiện nay, luật sư Trần Văn Huy cho rằng, nhu cầu vay tiền từ các công ty tài chính, tín dụng trong thời gian tới của người dân sẽ tăng cao. Những hệ quả mà dịch COVID-19 kéo dài để lại, giá cả trong nước leo thang khiến nhiều người dân phải tìm đủ mọi cách để tồn tại. Điều này khiến bên cho vay tiền sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Để tránh tình trạng trên, theo Luật sư Huy cả người vay và người cho vay cần phải nâng cao trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình khi thực hiện các giao dịch.
“Đối với công ty tài chính, trước khi cho vay và giải ngân cho khách hàng cần có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin, gồm: lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn khác…”, luật sư Huy phân tích.
Bên cạnh đó, công ty tài chính phải thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định của pháp luật để tổ chức xét duyệt cho vay theo theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay.
“Trường hợp quyết định không cho vay, tổ chức tín dụng thông báo cho khách hàng lý do khi khách hàng có yêu cầu”, luật sư Huy nói.
Ngoài trách nhiệm của bên cho vay, vị luật sư cũng nhắc đến nghĩa vụ của người đi vay. Trước hết, phải cung cấp thông tin cho công ty tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng, gồm thông tin về nhân thân, năng lực hành vi, các yêu cầu khác như: các giấy tờ chứng minh nhân thân; năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; mục đích vay vốn; phương án sử dụng vốn; chứng minh khả năng tài chính để trả nợ; các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay…và các tài liệu khác do công ty tài chính yêu cầu.
“Sau khi cho vay, công ty tài chính có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận cho vay, công ty, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thù hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn”, luật sư Huy nêu rõ.
Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, công ty, tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.
“Pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ đối với những người cố tình chiếm đoạt, trì hoãn, chây ì trả nợ. Nhẹ thì xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành với khung hình phạt cao nhất lên tới chung thân. Do đó, pháp luật cần phải vào cuộc để xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chiếm đoạt, lẩn trốn, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bảo vệ quyền lợi của bên cho vay”, Luật sư dẫn chứng.
Cùng với đó, luật sư đề nghị nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra các công ty tài chính, đặc biệt với các hồ sơ vay của khách hàng để thấy rõ có sự tuân thủ đầy đủ các quy định trong khâu thẩm định hồ sơ hay không. Nhất là đối với phương án và khả năng trả nợ của người vay. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, những công ty hoạt động theo kiểu tín dụng “đen” biến tướng để bảo vệ uy tín cho các cơ quan, tổ chức tài chính, tín dụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
“Bản thân người vay cũng cần nghiêm túc trong việc vay tiền, đảm bảo trả nợ đúng thời hạn đã thỏa thuận từ ban đầu. Dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn, tuy nhiên, không phải vì thế mà người dân lại viện tâm lý “người yếu thế” để trì hoãn, thậm chí là né tránh nghĩa vụ trả nợ”, Luật sư Huy nhấn mạnh.