Các app “tín dụng đen”: Nhả lời “đường mật”, gây hậu quả “đắng”
Chỉ một cú click là nhận tiền ngay…”, thời gian gần đây, nhiều người dân lao động mất việc vì “sập bẫy”, rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải chịu mức lãi “cắt cổ” cùng nhiều hệ lụy khôn lường.
Dù các ban, ngành chức năng liên tục khuyến cáo về những rủi ro khi vay tiền qua app “tín dụng đen” nhưng trước những khó khăn về kinh tế do liên tiếp trải qua các làn sóng dịch COVID-19, cộng thêm lời mời gọi “hấp dẫn” xuất hiện nhan nhản trên mạng như “tiện lợi, chỉ một cú click là nhận tiền ngay…”, thời gian gần đây, nhiều người dân lao động mất việc vì “sập bẫy”, rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải chịu mức lãi “cắt cổ” cùng nhiều hệ lụy khôn lường…
Để thử độ dễ dàng của vay tiền qua các app “tín dụng đen”, tôi tiến hành thao tác search trên google, CH Play, App Store,… trong giây lát, hàng trăm các app vay tiền hiện ra.
Vào một trong những app (ido…) mà một nạn nhân gần đây trình báo cơ quan chức năng, ngay sau click chuột, một dòng chữ hiện ra "Vay tiền hôm nay - nhận ngay ưu đãi lãi suất 0%" cùng với đó là cột nhắn tin, tự tương tác qua messenger (nếu bạn đang log in facebook) với dòng “nhắn nhủ” - “Nhắn tin cho chúng tôi để được tư vấn về các dịch vụ vay tiền online tốt nhất”.
Sau khi click vào đăng ký thủ tục vay tiền, một trang nội dung mới hiện ra, yêu cầu bạn download app về máy điện thoại. Chỉ với một vài bước đơn giản, ứng dụng app được download và mở ra. Tiến hành đăng ký, app này yêu cầu bạn nhập số điện thoại, điều kỳ lạ là dù đã nhập đúng số điện thoại nhưng không thể tiến hành thao tác “tiếp theo”.
Theo chị N.T.M, ở Nguyễn Trãi (Hà Nội) chia sẻ, chính vì điều đó nên buộc chị phải click vào “đã có tài khoản”, và tiến hành kết nối bằng facebook cá nhân với dòng cảnh báo “App muốn sử dụng “facebook…” để đăng nhập” cùng dòng chữ nhỏ phía dưới “Việc này cho phép ứng dụng và trang web chia sẻ thông tin về bạn”.
“Sau khi đăng nhập qua kênh facebook cá nhân, được người của công ty cho vay nhắn tin, tư vấn, hướng dẫn tận tình làm các thao tác, chụp ảnh chứng minh nhân dân, kết nối facebook, zalo, cung cấp số tài khoản ngân hàng, chiều hôm đấy, một người bên app gọi điện thoại, đến gặp mặt đưa tiền. Mọi thứ diễn ra “êm đềm” cho đến khi nhận tiền vay chỉ được 3 triệu 500 nghìn đồng, còn khoản gốc thì vẫn phải trả đầy đủ, tôi bắt đầu thấy lo lắng…” - chị N.T.M cho biết.
Cũng theo chị N.T.M, hết thời hạn 1 tháng, chưa thể trả, chị bị tính lãi phạt 30% số tiền vay thực. Những cuộc điện thoại ngày nào cũng réo “khủng bố” đòi tiền. Những người thân, bạn bè chẳng vay mượn cũng bị họ làm phiền, đòi nợ theo. Sau nhiều ngày như thế, chị N.T.M thấy xấu hổ, bản thân dần bị stress, rơi vào tình trạng hoảng loạn, mỗi lần có chuông điện thoại reo, người lại giật bắn lên vì sợ hãi…
Giống chị N.T.M, dài ngày không kiếm được việc, để duy trì nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, anh N.H.L, ở Cầu Giấy (Hà Nội) bấm liều vay tiền qua một app “tín dụng đen”. Hết thời hạn, không có khả năng trả, anh L được nhiều người ở app “đen” khác gọi điện thoại hướng dẫn, chào mời vay thêm. Vay 6 app một lúc, nhiều lần bị “khủng bố”, anh L đã không dưới 3 lần suy nghĩ tìm đến cái chết để được giải thoát cho mình và người thân không bị liên lụy. “Số tiền thực nhận không như mình nghĩ do đã trừ lãi và phí rất cao. Nếu mình trả app này thì lại thiếu tiền, đành phải vay app khác để bù vào khiến số tiền vay và lãi chồng lãi tăng cao....” - anh N.H.L cho biết.
Thực tế, các app cho vay tiền đa phần do những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Phổ biến nhất các app cho vay đều cộng dồn lãi suất vào hợp đồng vay thành khoản vay ngay từ đầu, người vay sẽ phải chịu lãi suất nhiều hơn số tiền vay ban đầu và bị trừ trước vào khoản vay như trường họp chị N.T.M và anh N.H.L. Nếu vay 1 triệu thì người vay chỉ nhận được 700 đến 800 nghìn đồng, còn khoản gốc thì vẫn phải trả đầy đủ. Nhiều người gặp khó khăn, vay “nóng” mà không nghĩ đến khoản tiền lãi “cắt cổ” và cũng không tính toán được khả năng chi trả món nợ của mình hay những hệ lụy mà nó để lại.
Theo một cán bộ điều tra chuyên mảng “tín dụng đen” chia sẻ, các ứng dụng vay tiền kiểu “tín dụng đen” thường yêu cầu người vay tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân như hình ảnh, số-hình chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng… và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn. Trong đó, đặc biệt có điều khoản, buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động, chính điều này khiến tình trạng “một người vay, nhiều người bị ảnh hưởng”… Sau khi đáp ứng đầy đủ điều kiện vay tiền, hệ thống tài khoản của công ty đó sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân người vay. Đáng nói, lãi suất của các app “tín dụng đen” cho vay rất cao, có thể lên đến 900%/năm, khiến người vay không có khả năng chi trả.
Đ.T.Anh - một tay anh chị có tiếng cho vay nặng lãi một thời cho biết: Để lách luật, “công ty” cho vay sẽ làm hợp đồng ghi lãi suất như mức Nhà nước cho phép nhưng phí thì rất cao. Trong “công ty” sẽ có vài người ở bộ phận thu hồi nợ, có trách nhiệm khi gần đến thời hạn người vay trả nợ sẽ gọi điện đốc thúc để trả đúng hạn. Nếu người vay đến hạn chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại cho những người trong danh bạ của người vay, nhẹ thì đe dọa, không thì chửi bới, mục đích để họ liên hệ với người vay trả tiền. Trường hợp “trốn” kỹ quá, nhân viên thu hồi nợ sẽ đăng ảnh người vay lên các trang mạng xã hội, nhằm gây sức ép…
Lợi dụng bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, khiến nhiều người lao động khó khăn, có nhu cầu vay tiền trang trải cuộc sống hoặc tìm việc trực tuyến nên các app “tín dụng đen”cho vay trực tuyến có xu hướng gia tăng. Để nâng cao ý thức, cơ quan Công an đề nghị người dân cần thận trọng khi sử dụng, chia sẻ các giấy tờ và thông tin cá nhân, bởi bản thân có thể trở thành nạn nhân của các hình thức vay “tín dụng đen”, bị làm phiền hoặc khiến người thân bị quấy nhiễu…Còn khi thực sự có nhu cầu vay tài chính thì nên tìm đến các tổ chức tín dụng, công ty cho vay tài chính được Nhà nước cấp phép.