Chủ động tấn công, trấn áp tội phạm “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp

08:25 21/10/2023

Hoạt động “tín dụng đen” được Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội đánh giá thường gắn vào tội phạm có tổ chức, núp dưới vỏ bọc cơ sở kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp, công ty luật, mua bán nợ và triệt để tận dụng khoa học công nghệ, không gian mạng. Tấn công trấn áp quyết liệt hiệu quả với loại tội phạm này luôn là yêu cầu đặt ra xuyên suốt với lực lượng CSHS Thủ đô, nhất là khi thời điểm cuối năm đang cận kề.

Nhận diện những thủ đoạn mới

Lãnh đạo Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đánh giá, hoạt động “tín dụng đen” hiện nay đã có nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức, núp dưới vỏ bọc cơ sở dịch vụ cầm đồ, công ty đòi nợ thuê, kinh doanh tài chính để đối phó cơ quan chức năng và tiến hành các hoạt động vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính.

Hiện nay, các đối tượng này thường ép buộc, dụ dỗ, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự.

Khi người vay không trả lãi và gốc đúng hẹn, đối tượng cho vay sẽ cộng dồn lãi vào gốc, tính kỳ hạn mới khiến người vay phải chịu cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”, chất chồng nợ lãi. Với lãi suất vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép, khi người vay mất khả năng chi trả, các đối tượng ép buộc nạn nhân, sử dụng mọi cách thức, thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, buộc nạn nhân phải trả nợ.

Nhiều thanh, thiếu niên sẵn sàng tham gia làm chân rết cho hoạt động  “tín dụng đen”.

Là đơn vị thụ lý chính và đấu tranh, khám phá nhiều băng ổ nhóm “tín dụng đen”, Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ cao (như sử dụng các phần mềm, ứng dụng để gọi điện thoại qua Internet đòi nợ; tạo lập, sử dụng các ứng dụng (APP), tài khoản mạng xã hội để hoạt động phạm tội qua mạng...). Chúng hoạt động bằng cách thành lập, đăng ký “công ty ma”; sử dụng sim “rác” mua, bán thông tin để lập các tài khoản, mua bán tài khoản ngân hàng để hoạt động phạm tội nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng Công an trong công tác đấu tranh xử lý. Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng núp bóng các doanh nghiệp, công ty luật, công ty mua bán nợ cưỡng đoạt tài sản.

Qua điều tra, Phòng CSHS xác định một số ngân hàng, công ty tài chính được cấp phép hoạt động cho vay (hợp pháp), có quy định chặt chẽ về việc xử lý và thu hồi nợ theo pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, nhất là các khoản cho vay tín chấp, một số ngân hàng, công ty tài chính đã ký kết hợp đồng với các công ty, văn phòng luật dưới danh nghĩa tư vấn pháp lý, tư vấn xử lý nợ, ủy quyền thu hồi nợ. Lợi dụng hợp đồng này, các công ty, văn phòng luật đã thuê, sử dụng nhân viên để gọi điện, nhắn tin đe dọa.

Bên cạnh đó, một số công ty tài chính, cho vay qua app, các đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” có bộ phận thu hồi nợ, sử dụng phần mềm, điện thoại gọi điện, nhắn tin nhắc nợ, đòi nợ... với nhiều cấp độ khác nhau. Ban đầu các đối tượng sử dụng điện thoại, phần mềm nhắn tin, gọi điện nhắc nợ. Nếu người vay chưa trả, các đối tượng sẽ tiếp tục nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới, gửi thông báo khởi kiện, giả mạo cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để đe dọa xử lý hình sự, bôi nhọ, vu khống người vay và người thân, đồng nghiệp với nhiều hình thức khác nhau.

Khi người vay tiếp tục không trả, các đối tượng sẽ gọi điện đến nhân thân, cơ quan có liên quan để khủng bố tinh thần với các yêu cầu như buộc thôi việc, đuổi học, hoặc gọi bình gas, gọi xe cứu thương, đặt vòng hoa, quan tài... đến các địa điểm trên để khủng bố, gây sức ép buộc người vay hoặc những người có quan hệ với người vay phải trả nợ, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Nhiều đường dây, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” còn có sự liên kết, điều hành của đối tượng người nước ngoài, ở nước ngoài.

Nhổ tận gốc những “mầm độc”

Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đánh giá: Tội phạm hoạt động “tín dụng đen” hiện nay có độ ẩn ngày càng cao, khó phát hiện và xử lý hình sự. Có sự đan xen giữa cho vay “truyền thống” và cho vay trên mạng “công nghệ cao”. Trước đây người đi vay và người cho vay thường sẽ biết tên, tuổi, địa chỉ của nhau. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một hình thức “tín dụng đen”, cho vay tiền với phương thức mới, người vay không biết đối tượng cho vay. 

Qua các diễn đàn, hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, người vay chỉ cần để lại số điện thoại, lời nhắn trên các diễn đàn, bài đăng trong nhóm kín facebook, zalo, tiktok... thì các đối tượng cho vay sẽ chủ động liên hệ hoặc chia sẻ khách vay cho nhau để tự tiếp cận, liên hệ người vay tiền. Sau đó các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh căn cước và thông tin địa chỉ cư trú, nơi làm việc... để kiểm tra thông tin. Sau khi thống nhất khoản tiền vay sẽ yêu cầu khách hàng viết giấy vay và cho xe ôm, người giao hàng mang đến cho chúng ở quán nước vỉa hè.

Các đối tượng thuê tài khoản ngân hàng, tài khoản ảo để giao dịch chuyển tiền cho vay, nhận tiền trả lãi với khách hàng để che giấu nhân thân. Nếu khách hàng không trả tiền theo đúng hạn, các đối tượng sẽ giới thiệu khách hàng sang vay tiền của người khác để lấy khoản tiền đó trả cho đối tượng. Hoặc các đối tượng sẽ thường xuyên gọi điện khủng bố đe dọa buộc con nợ phải trả tiền.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội là một trong đơn vị đầu tiên của Công an cả nước triển khai Kế hoạch 231 và sau này là Chuyên đề 231 đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”. Chuyên đề này được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội quán triệt, chỉ đạo xuyên suốt, liên tục trong suốt thời gian qua và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Từ ngày 15/12/2022 đến 15/6/2023, toàn TP Hà Nội đã phát hiện 13 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen”. Con số này đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khởi tố 11 vụ, 50 bị can. Nhiều đơn vị có thành tích cao trong việc đấu tranh với hệ, loại tội phạm này như Phòng CSHS đã khởi tố nhiều vụ án, bị can, ổ nhóm hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Công an các quận, huyện như Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Đan Phượng… cũng đã phát hiện, khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng vi phạm.

Không chỉ đấu tranh trấn áp và xử lý nghiêm những ổ nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa và xử phạt hành chính về lĩnh vực hoạt động tín dụng tài chính cũng được Công an TP Hà Nội siết chặt, hiệu quả. Từ ngày 29/3 đến 8/4/2023, Công an các quận, huyện và thị xã trên địa bàn đã đồng loạt ra quân kiểm tra hành chính 91 điểm kinh doanh, chi nhánh Công ty F88, qua đó xử phạt hành chính một số điểm kinh doanh, chi nhánh với các lỗi như: Lập hồ sơ quản lý lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định; hồ sơ, phương án PCCC, cứu hộ không đảm bảo…

Hoạt động “tín dụng đen” được Công an TP Hà Nội đánh giá sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong thời gian tới, khi thời điểm cuối năm đang cận kề. Ngoài núp bóng doanh nghiệp, hoạt động cho vay nặng lãi, các công ty, doanh nghiệp này còn là nơi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, sau đó hợp pháp hóa nguồn tiền bất hợp pháp, tiếp tục tiềm ẩn, phát sinh những hành vi vi aphạm pháp luật khác. Tình trạng thanh, thiếu niên hư, côn đồ, dễ bị kích động tham gia vào các băng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” trở thành tay sai, chân rết cho các đối tượng cộm cán.

Trước những tình hình trên, Công an TP Hà Nội đã có kế hoạch chỉ đạo Phòng CSHS và Công an các đơn vị trên toàn thành phố tập trung tăng cường triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm về đấu tranh phòng, chống “tín dụng đen”. Bất kỳ những biểu hiện, dấu hiệu nào có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đều phải bị Công an các đơn vị chủ động “nhổ” tận gốc, trấn áp quyết liệt, hiệu quả hệ loại tội phạm này.

Hoàng Phong

Cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù mang đậm tính nhân văn, thực sự trở thành “điểm tựa” cho những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng ở tỉnh Hà Nam.

Trong đêm tối, nhiều người dân ở vùng lũ Quảng Bình gọi điện, lên mạng xã hội cầu cứu mong được hỗ trợ, giúp đỡ, di dời khẩn cấp vì nước lũ lên nhanh. Các tổ, nhóm xung kích, Công an các đơn vị, địa phương Công an Quảng Bình đã trắng đêm giúp dân chống lũ.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện làm phương tiện đi lại khi chưa có kỹ năng điều khiển khiến không ít học sinh gặp phải sự cố thương tâm…

Ngày 9/10 vừa qua, Báo CAND đăng bài “Vườn điều bị đốn hạ, “cuộc chiến” giành quyền sở hữu vẫn căng thẳng giữa hai nông dân”. Ngay khi báo đăng, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã vào cuộc xác minh, điều tra nhằm làm rõ vụ việc.

Lợi dụng nhu cầu đổi tiền ngoại tệ của nhiều người dân, các đối tượng lừa mua bán tiền để hưởng chênh lệch giá cao. Chỉ trong thời gian ngắn xác lập chuyên án, Phòng Cảnh sát hình sự -Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ được các đối tượng gây án.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 24/9/2024, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch số 4897 về cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Thực hiện cao điểm kế hoạch này, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh về việc đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn.

Những ngày qua, một số website hải ngoại đưa thông tin về việc Freedom House ngày 16/10/2024 công bố báo cáo về tự do Internet toàn cầu, trong đó tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm không có tự do Internet với thang điểm tự chấm 22/100 điểm. Bảng báo cáo trên một lần nữa thể hiện bản chất cực đoan của một tổ chức tự gắn mác “vì nhân quyền”, “vì tự do”, bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người.

Kết quả kiểm phiếu bầu cử Hạ viện Nhật Bản lần thứ 50 vừa được công bố sáng 28/10 cho thấy liên minh cầm quyền giữa đảng Tự do Dân chủ (LDP) và đảng Công minh đã chính thức mất thế đa số, đặt ra vấn đề lớn với chính trường Nhật Bản trong thời gian tới. 

Trong ngày hôm nay (27/10), mưa bão kết hợp triều cường dâng cao làm cho tuyến đường chạy dọc bãi tắm xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Sóng biển xâm thực sâu vào đất liền, đánh vỡ hàng trăm mảng bê tông khiến khu vực này tan hoang như vừa bị "dội bom".

Sáng 27/10, hơn 45.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc đã chính thức mở cửa đón cử tri thuộc 47 tỉnh, thành cả nước đến bỏ phiếu để bầu chọn những người đại diện cho mình trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 50 của Nhật Bản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文