Giúp phụ nữ không rơi vào bẫy “tín dụng đen”
Để giúp hội viên phụ nữ không rơi vào bẫy “tín dụng đen”, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của chị em về vấn nạn này. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Thời gian vừa qua, do tình hình kinh tế khó khăn bởi đại dịch COVID-19, nhiều người đã vướng bẫy “tín dụng đen” dưới hình thức vay qua app, trong số đó có không ít nạn nhân là phụ nữ. Suy nghĩ giản đơn, không lường trước được hậu quả, khi thấy các app cho vay thủ tục đơn giản, dễ dàng, nên nhiều người thực hiện các thủ tục vay. Và khi bị các app đòi nợ, số trường hợp này lo sợ, giấu gia đình, tìm cách vay app sau trả app trước, rồi rơi vào vòng luẩn quẩn của “tín dụng đen”, thậm chí có nạn nhân quá bế tắc đã tìm đến cái chết.
Chị L.T.O., quê ở Bình Định đầu tiên đăng ký vay tiền thông qua 5 app “đen”, mỗi app vay 2 triệu đồng, tổng tiền vay là 10 triệu đồng. Thời hạn vay là 1 tuần, kể từ ngày nhận được tiền. Tuy nhiên, khi giải ngân, mỗi app vay chỉ chuyển cho chị O. 1,3 triệu đồng, số còn lại là lãi và phí dịch vụ.
Do hạn thanh toán các khoản vay qua app quá ngắn, chị O. không kịp chi trả nên bị nhân viên của app gọi điện khủng bố tinh thần. Lo lắng, chị O. lại tiếp tục vay các app khác để trả nợ. Tổng cộng đến nay, chị O. đã vay 40 app khác nhau, phải trả lãi hơn 350 triệu đồng và con số này chưa dừng lại.
Trước đó, tháng 3/2020, chị N.H.H. (ở Biên Hòa, Đồng Nai) đã tử tự tại nhà riêng. Trong bức thư để lại, H. nói đến việc cô vay tiền qua app “tín dụng đen”. Vì vay giấu gia đình, khi đến hạn trả nợ mà không có tiền thanh toán, cô đã bị các đối tượng liên tục đe dọa nên đã phải tìm đến cái chết để giải thoát.
Trước thực trạng nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, cùng với sự quyết liệt đấu tranh của lực lượng Công an, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ các hội viên tránh các cạm bẫy “tín dụng đen”.
Theo đó, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trong đó hướng dẫn việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; chỉ đạo đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức về tài chính, triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ hội viên, từ đó góp phần hạn chế hội viên vay vốn qua “tín dụng đen”.
Kết quả, tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội quản lý là trên 86.000 tỷ đồng (chiếm 39% dư nợ ủy thác của 4 tổ chức chính trị xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội), cho gần 2,5 triệu hộ vay thông qua 64.350 tổ tiếp kiệm và vay vốn; dư nợ tín chấp với Ngân hàng BIDV là 23.460 tỷ đồng, thông qua 10.854 tổ/237.714 thành viên (tỷ lệ nợ quá hạn là 0,29%); dư nợ tín chấp với các chi nhánh Ngân hàng Liên Việt Post Bank trên 1.076 tỷ đồng và tiếp tục mở rộng hợp tác với các ngân hàng khác.
Tăng cường hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ xã hội, các chương trình dự án tài chính vi mô, đồng thời thí điểm Quỹ bảo hiểm vi mô cung cấp bảo hiểm “tương trợ vốn vay” cho phụ nữ nghèo, thu nhập thấp với 181.000 phụ nữ tham gia từ năm 2016…
Ngoài ra, Hội còn hướng dẫn, tư vấn, tập huấn chuyên môn về dịch vụ tài chính, bảo hiểm, đầu tư cho hội viên và cán bộ của hội, cán bộ quản lý quỹ, chương trình, dự án tài chính; chỉ đạo các cấp Hội vận động phụ nữ tiết kiệm theo tổ, góp vốn xoay vòng giao tổ phụ nữ quản lý gắn với thực hiện quy định về hụi, họ, biêu, phường và có thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ trưởng các tổ với thành viên; riêng năm 2020 số dư tiết kiệm của Hội đạt trên 11.000 tỷ đồng với 11,2 triệu thành viên…
Thời gian tới, theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ có những diễn biến phức tạp. Mong rằng, cùng với lực lượng Công an, các cấp, các ngành, các đoàn thể cùng tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn các hoạt động của “tín dụng đen”, để không còn ai trở thành nạn nhân của vấn nạn này.