Gỡ bỏ ứng dụng cho vay tiền trôi nổi trên mạng xã hội như thế nào?
Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay tiền trôi nổi trên mạng xã hội và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào rồi hướng dẫn cài đặt các ứng dụng khác để vay tiền.
Muôn kiểu lách luật
Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” tồn tại ở nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân vẫn còn tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng vì cho rằng sẽ gặp nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp. Nhu cầu của người dân là vay tiền nhanh, thời hạn ngắn, thủ tục nhanh gọn và không muốn thế chấp tài sản… đi cùng với đó hoạt động tín dụng đen càng nở rộ.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết, sau 2 năm thực hiện chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Khởi tố 554 vụ/990 bị can, xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cho biết thêm, tuy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh dịch COVID-19, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân, thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc...
Vì vậy, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền. “Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng”, Trung tá Đỗ Minh Phương thông tin.
Cũng theo Trung tá Phương, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Kiến nghị nhiều giải pháp ngăn chặn
Để đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen”, đại diện Bộ Công an đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an ứng dụng hiệu quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý số thuê bao, tài khoản ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay nhằm xác thực thông tin, hạn chế, xóa bỏ các số thuê bao điện thoại, các tài khoản ngân hàng không chính chủ (SIM rác, tài khoản rác).
Kịp thời phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan phát hiện, yêu cầu doanh nghiệp có liên quan tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động với các ứng dụng, website có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định.
Bộ Công an đề xuất: Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”, trong đó có hoạt động vay trực tuyến, vay qua app, vay ngang hàng, về việc người nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ cho vay tại Việt Nam.
Dưới góc độ chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, Tập đoàn Công nghệ Bkav, đề nghị cần có sự can thiệp mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng như cấm các hoạt động quảng cáo về những ứng dụng cho vay tiền online. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về những nguy cơ của các app cho vay tiền online kiểu này cho người dân cùng biết và tránh xa.
“Nhu cầu vay tiền như thế này của người dân là rất lớn, do đó cần sớm thay đổi về các chính sách theo hướng phù hợp cho người dân có nhu cầu vay tiền, trong một số trường hợp thì các thủ tục cần đơn giản và nhanh chóng hơn”, ông Cường nói.
Về phía ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, yêu cầu mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Phó Thống đốc cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.