Nhiều biến tướng của tội phạm cho vay lãi nặng ở Tây Ninh
Thời gian qua, tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không còn hoạt động rầm rộ như trước đó, mà chúng “chia nhỏ” hoạt động kín kẽ với thủ đoạn tinh vi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Điển hình, Đồng Văn Hiến (SN 2001, ngụ huyện Đắk Glong, Đắk Nông) đến huyện Châu Thành (Tây Ninh) để cho vay lãi nặng. Trước khi đến địa bàn này, Hiến đã nghiên cứu kỹ về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng khác hoạt động “tín dụng đen” từng bị phát hiện, bắt giữ. Thay vì phải thuê người làm nhiệm vụ in, phát tờ rơi cho vay vốn, thủ tục nhanh, Hiến sẽ trực tiếp gặp các người dân lao động khó khăn như, thợ hồ, bán vé số... để chiêu dụ “con mồi”. Hay, Hiến sống tạm trú ở một địa bàn và cho vay nặng lãi ở một địa bàn khác.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tây Ninh phát hiện Hiến có biểu hiện cho nhiều người dân nghèo vay “tín dụng đen” trên địa bàn, nên tổ chức đeo bám. Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, đến ngày 25/9, Công an TP Tây Ninh phối hợp cùng Công an phường Hiệp Ninh tổ chức bắt quả tang Hiến đang cho người dân vay lãi nặng. Tang vật thu giữ, gồm: 5 giấy chứng minh nhân dân, 3 giấy chứng nhận đăng ký xe...
Qua điều tra, đối tượng khai nhận: Từ tháng 2/2022, Hiến rời Đắk Nông đến thuê nhà sống tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Hiến còn cho vay tiền người dân ở TP Tây Ninh. Mọi hoạt động hạn chế trao đổi qua mạng xã hội và tin nhắn. Đối tượng sẽ đến gặp “khách hàng” để hướng dẫn hình thức vay, số tiền vay, không cần thế chấp, chỉ cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe... Với thủ đoạn như trên, chỉ trong khoảng 7 tháng, đối tượng đã cho hơn 15 người dân nghèo vay khoảng 210 triệu đồng.
Do sinh sống trên địa bàn huyện Tân Biên, nên Võ Phi Bảo (SN 1977, ngụ thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) có nhiều mánh khóe hơn trong hoạt động cho vay nặng lãi. Cụ thể, người vay nợ có hộ khẩu thường trú, tránh để “con nợ” bỏ trốn. Nếu người vay không chịu trả tiền, thì Bảo nhắn tin, điện thoại đe dọa “nhẹ” rằng, người thân và con cái của con nợ đang làm việc, học ở trường nào. Bảo khác với chủ nợ khác phải cho người đến xiết nợ, thậm chí đánh đập và bắt giữ người trái pháp luật.
Cũng qua biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Tân Biên phát hiện Bảo có nhiều dấu hiệu hoạt động cho vay lãi nặng nên lập kế hoạch phá án. Sau nhiều ngày đêm đeo bám, lúc 11h40 ngày 3/7, tại quán cà phê thuộc ấp Dinh, xã Mỏ Công (huyện Tân Biên), tổ trinh sát Công an huyện Tân Biên bắt quả tang Bảo thu tiền lãi của người vay. Tang vật thu giữ hơn 30 triệu đồng, 2 điện thoại di động, 4 giấy chứng nhận đăng ký xe môtô. Qua khám xét nơi ở của Bảo, Công an thu giữ thêm: 26 xe môtô, 7 tập chứa nhiều nội dung liên quan đến việc cho vay, 7 điện thoại di động, 32 giấy chứng nhận đăng ký xe môtô các loại...
Tại cơ quan Công an, Bảo thừa nhận, từ tháng 10/2020 đến thời điểm bị bắt, đã hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất dao động từ 100% đến 400%/năm. Đối tượng thu lợi bất chính gần 300 triệu đồng. Người vay chủ yếu là người dân sống trên địa bàn, mà bảo nắm rõ về nhân thân, lai lịch, thậm chí quy luật sinh hoạt của họ. Khi có nhu cầu vay tiền, người vay có thể mang xe ôtô, xe tải, xe môtô... cùng giấy tờ tùy thân đến thế chấp. Khi người vay không trả nợ, Bảo đe dọa bắt cóc con cái người vay để thu lại tiền.
Sau thời gian dài đeo bám, khoảng 0h30 ngày 15/6, Công an huyện Châu Thành bất ngờ kiểm tra nhà trọ tại ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Tại đây, Công an phát hiện, bắt giữ Trần Minh Quân (SN 2003) và Nguyễn Thành Trung (SN 2004, cùng quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) cùng 4 thùng giấy chứa khoảng 200.000 tờ giấy in nội dung cho vay trả góp. Qua điều tra, cả hai khai nhận, chỉ được đối tượng khác (chưa rõ danh tính) “giới thiệu” vào Tây Ninh để làm việc với tiền công 8 triệu đồng/tháng. Hằng đêm, các đối tượng rải tờ rơi cho vay trả góp tại các khu vực thuộc huyện Tân Châu, huyện Bến Cầu và TP Tây Ninh. Ban ngày, chúng thu tiền góp của người dân nghèo.
Để phòng ngừa tội phạm trên, Công an tỉnh Tây Ninh đề nghị, người dân cần chủ động tìm hiểu về các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thủ đoạn tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi liên quan đến đòi nợ, xiết nợ, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Hiện nay, bọn chúng còn sử dụng công nghệ cao cho vay lãi nặng qua app với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Do vậy, người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm. Khi phát hiện các đối tượng nghi vấn đến địa bàn cư trú hoặc có biểu hiện hoạt động phạm tội “tín dụng đen” thì báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, chính quyền địa phương để có biện pháp đấu tranh phòng ngừa. Đồng thời, mọi người cần tuyên truyền vận động người thân, con em trong gia đình không vay tiền của các đối tượng cho vay lãi nặng bất kỳ hình thức nào...