Tán gia bại sản vì “chứng khoán quốc tế”
Trót tin những lời hứa hẹn lợi nhuận cao, rủi ro thấp, rút tiền dễ và phí môi giới không đáng bao nhiêu… của những chuyên gia “chứng khoán quốc tế”, nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí “tán gia bại sản” trước khi giấc mơ làm giàu thành hiện thực.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng, hàng loạt sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, sàn ngoại hối, "đầu tư chứng khoán quốc tế" trái phép, có dấu hiệu lừa đảo thời gian gần đây đã bị đánh sập hoặc “tự sập”, làm lộ ra các khoản thua lỗ lên đến hàng tỷ đồng của những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Dẫu vậy, những bài học đó dường như chưa đủ để cảnh tỉnh một bộ phận những nhà đầu tư nhẹ dạ khác, dễ bị những lời hứa hẹn sáo rỗng làm mờ mắt và cuối cùng "vỡ mộng" trên con đường đi tìm kênh đầu tư tài chính siêu lợi nhuận.
Gửi email đến Báo CAND Điện tử sáng 29/10, chị N.T.A., 35 tuổi, trú tại Trà Vinh, cho biết, mình đã vừa trở thành nạn nhân của một sàn giao dịch "chứng khoán quốc tế" với số tiền thiệt hại gần 700 triệu đồng.
Chị kể, cách đây vài tuần, chị liên tục nhận được điện thoại của người xưng tên M. T., giới thiệu là nhân viên của "sàn chứng khoán quốc tế SM" và mời chị tham gia. Lúc đầu chị nói không quan tâm và từ chối, nhưng nhân viên môi giới vẫn tiếp tục gọi điện, nhắn tin và thêm chị vào một nhóm chat Zalo do người này làm trưởng nhóm, trong đó nhiều thành viên thường xuyên đăng hình ảnh “chốt lời” giao dịch cổ phiếu, ngoại tệ, vàng với lợi nhuận rất "khủng".
“M. T. hỏi thăm, chào mời, bảo tôi nạp tiền tìm hiểu, sử dụng bonus (phần thưởng thêm) của sàn để đầu tư thì sẽ không có rủi ro, nếu không muốn đầu tư nữa thì rút ra cũng không mất mát gì cả và không tốn bất cứ chi phí nào…. Họ còn nói mới đầu tư thì nên mua cổ phiếu nào cho an toàn, nghe thấy vậy nên tôi đã tin”, chị A. trần tình lí do bắt đầu đầu tư “chứng khoán quốc tế”.
Sau khi tạo tài khoản trên website do nhân viên môi giới cung cấp, chị A. được M.T. giới thiệu sàn này “sử dụng đòn bẩy tài chính 1/50 có nghĩa là mua cổ phiếu giá rẻ hơn gấp 50 lần so với giá niêm yết trên thị trường”. “Đây là sự hỗ trợ của sàn để nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá rẻ”, nhân viên môi giới nói với chị A.
Thực tế, cách đầu tư bằng "đòn bẩy tài chính" có thể tạo ra khoản lãi nhanh chóng, nhưng lỗ cũng nhanh không kém.
Nạp lần đầu 5.000 USD vào tài khoản, tương đương hơn 110 triệu đồng, chị A. được sàn kết nối với nữ “chuyên gia đọc lệnh” H. giúp chị “đi lệnh”. “Mình phải lướt sóng một chút để kiếm lời cho tài khoản”, H. chèo kéo chị A.
Ngày đầu giao dịch theo H., chị A. được khoản lãi hơn 6 triệu đồng và rút ngay được về tài khoản ngân hàng. Sang ngày thứ hai, chị A. tiếp tục “lãi” hơn 11 triệu, vẫn rút được. “Thấy vậy nên tôi rất tin tưởng”, chị A. kể và cho biết, sau ba ngày tham gia giao dịch, chị quyết định nạp thêm 15.000 USD nữa để 'hưởng ưu đãi" theo đề nghị của H.
Chuỗi thời gian đen tối với chị A. bắt đầu từ đây. Sau khi nạp tiền "khủng", chị A. được chuyên gia H. hướng dẫn “đi lệnh” mua bán dồn dập mà bản thân chị cũng không hiểu mình đang giao dịch cụ thể thứ gì.
Đến tối ngày giao dịch thứ tư, chị A. được nhân viên môi giới bất ngờ thông báo mình đang thua lỗ lớn và cần nạp khẩn trương thêm 5.000 USD nữa để “trợ giá cho tài khoản an toàn”, tránh mất trắng. Sau chừng hai lần nạp tiền thêm, tài khoản của chị A. vẫn âm.
“H. bảo tôi nạp tiếp 30.000 USD và cam kết gỡ nhưng tôi không tin. Tôi hỏi những người từng làm bên công ty chứng khoán thì họ cho rằng sàn này lừa đảo. Lên mạng tìm hiểu, tôi biết có rất nhiều người cũng bị lừa và tình huống xảy ra cũng giống như tôi với số tiền rất lớn”, chị A. viết trong thư. “Số tiền mà tôi bị lừa là cả tài sản của tôi tích cóp và đi vay nợ, trong tình hình dịch bệnh, gia đình tôi đều không tạo ra thu nhập nên tình hình sẽ rất khó khăn”.
Theo chị A., nhân viên môi giới H. và T. đã "gài" chị đặt ảo tại sàn chứ không phải thông qua thị trường quốc tế như họ đã giới thiệu. "Họ chủ yếu đọc lệnh qua điện thoại và nếu có nhắn tin thì vừa nhắn xong là họ xóa ngay", chị A. kể. Người phụ nữ cũng tin rằng, sàn này đã điều chỉnh các chỉ số để "chiếm đoạt" số tiền do nhà đầu tư nạp vào bằng cách để họ thua lỗ.
Không kí hợp đồng, không cam kết nào bằng văn bản, trụ sở sàn giao dịch ở nước ngoài, những nhân viên môi giới từng "đồng hành" cùng mình cũng không rõ lai lịch ra sao, chị A. lo lắng số tiền gần 700 triệu tích cóp và đi vay nợ có thể sẽ không bao giờ được thu hồi.
Như Báo CAND Điện tử nhiều lần đưa tin, trường hợp của chị A. không hiếm. Mỗi ngày, Báo CAND giải đáp hàng chục cuộc điện thoại qua đường dây nóng, tin nhắn qua trang Facebook chính thức và nhiều email, thư tay của độc giả thông báo về việc mình đã trở thành nạn nhân của những sàn đầu tư ngoại hối, chứng khoán quốc tế chưa được phép hoạt động tại Việt Nam.
Phần lớn các nạn nhân đều bị dụ dỗ bởi một chiêu trò: các môi giới trẻ có avatar rất đẹp "add" Zalo, Facebook làm quen hoặc gọi điện thoại để mời gọi tham gia "chứng khoán quốc tế". Những môi giới này chia sẻ câu chuyện thành công của nhiều nhà đầu tư khi bỏ ra vài ngàn USD và đã thắng lớn, mua nhà, đổi xe.
"Mỗi ngày nhân viên môi giới gửi tôi hình ảnh giá chứng khoán quốc tế tăng rất cao để chứng minh nếu tôi đầu tư theo, tôi đã lãi lớn rồi. Khi tham gia thật, "chúng nó" cho mình lãi chút ít để mình ham chơi lớn. Đến khi bỏ tiền nhiều vào, mình lỗ sạch", anh L., trú tại Hà Nội, bức xúc nói với PV, xác nhận mình đã "cháy" một tài khoản hơn 300 triệu đồng.
Được biết, trong số các nhà đầu tư- nạn nhân, không ít người đã cầm tiền ủy thác của bạn bè, người thân. Có người làm kinh doanh, nhưng cũng có người là giáo viên nghỉ hưu, là công nhân hoặc thất nghiệp do dịch bệnh. Việc thiệt hại số tiền quá lớn có thể khiến họ ngập trong vòng xoáy nợ nần, buộc phải tìm đến "tín dụng đen" hoặc những con đường cực đoan khác.
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng, hàng loạt sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, sàn ngoại hối, đầu tư chứng khoán quốc tế trái phép, có dấu hiệu lừa đảo đã bị đánh sập hoặc “tự sập”, làm lộ ra các khoản thua lỗ hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng của những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Đầu tư là hoạt động chính đáng, nhưng các nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ loại hình giao dịch mà mình dự định tham gia, sau đó tham vấn ý kiến của chuyên gia trước khi “đưa chân”, tránh bị những lời hứa hẹn sáo rỗng làm mờ mắt và rồi “vỡ mộng” trên con đường đi tìm kênh đầu tư siêu lợi nhuận.
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng, hàng loạt sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, sàn ngoại hối, đầu tư chứng khoán quốc tế trái phép, có dấu hiệu lừa đảo đã bị đánh sập hoặc “tự sập”, làm lộ ra các khoản thua lỗ hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng của những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Đầu tư là hoạt động chính đáng, nhưng các nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ loại hình giao dịch mà mình dự định tham gia, sau đó tham vấn ý kiến của chuyên gia trước khi “đưa chân”, tránh bị những lời hứa hẹn sáo rỗng làm mờ mắt và rồi “vỡ mộng” trên con đường đi tìm kênh đầu tư siêu lợi nhuận.