Trấn áp mạnh tội phạm “tín dụng đen” thời điểm giáp Tết
Nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người dân cần tiền hoặc vốn vay để làm ăn kinh doanh, thanh toán khoản nợ vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đối tượng tội phạm “tín dụng đen” gia tăng chiêu trò lôi kéo người vay tiền với lãi suất cao. Trước thực trạng này, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường điều tra, phát hiện, bắt giữ các đối tượng cho vay lãi nặng, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn.
Những ngày đầu tháng 1/2024, ngoài ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm sạch phố phường để chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội văn hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an các phường ở trung tâm TP Huế cùng với đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị còn tháo gỡ các tờ rơi có nội dung “cho vay tiền nhanh”, “cho vay tiền không cần thế chấp”, “vay tiền qua app”… được dán trên các trụ điện, cột đèn giao thông, bờ tường thành. Song song với hoạt động này, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) và Công an các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh ra quân tấn công, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”.
Theo cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, sau thời gian tạm lắng thì vào dịp cuối năm, cận Tết, các đối tượng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” lại gia tăng hoạt động. Lợi dụng nhu cầu của người dân cần tiền, nguồn vốn để chi tiêu, thanh toán các khoản nợ hoặc sử dụng cho những việc làm khác nên thông qua trang mạng xã hội và các hội nhóm trên mạng, các đối tượng “quảng cáo” thủ tục cho vay tiền nhanh, vay tiền trong 24 giờ không cần thế chấp hoặc vay tiền thông qua ứng dụng được cài đặt trên ĐTDĐ. Với các chiêu trò quảng cáo này, đã có không ít người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị các đối tượng dụ dỗ vay tiền, để rồi sau đó “lãi mẹ đẻ lãi con”, không thể nào trả hết số nợ gốc do lãi suất các đối tượng cho vay cao gấp nhiều lần so với mức lãi của ngân hàng.
Như vừa qua, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phá chuyên án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do 2 vợ chồng Lê Văn Cẩm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, trú 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP Huế) cầm đầu. Vợ chồng Cẩm và Hiền đã cho nhiều người dân, tiểu thương trên địa bàn TP Huế vay tiền với lãi suất cao. Khi người vay có nhu cầu sẽ liên hệ trực tiếp với vợ chồng Cẩm để vay mà không cần thế chấp tài sản, không giữ giấy tờ tùy thân. Tổng số tiền các đối tượng đã cho vay khoảng gần 3 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 146-182,5%/năm. Sau khi thu thập tài liệu, xác minh, cơ quan Công an đã làm việc với 13 người vay tiền với hơn 90 lượt vay. Số tiền vợ chồng Cẩm thu lợi bất chính được xác định ban đầu gần 200 triệu đồng. Do đó, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam Cẩm và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hiền do bị can đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Tương tự với các bị hại trong vụ án vừa kể trên, do cần một khoản tiền để lo việc gia đình nên anh Trần Văn H (trú tại phường Phú Hội, TP Huế) tìm đến Nguyễn Thị Phương Nhi (SN 1983, trú tại phường Thủy Biều, TP Huế) để vay tiền. Anh H vay số tiền 50 triệu đồng nhưng bị Nhi trừ trước tiền lãi 10 triệu đồng; tiền gốc phải trả trong vòng 10 ngày kể từ ngày vay. Qua điều tra, cơ quan Công an làm rõ Nhi đã cho anh H vay 5 lần, lãi suất cho vay 730%/năm, thu lợi bất chính gần 170 triệu đồng. Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nhi để điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Giàu (SN 1994, trú tại phường An Cựu, TP Huế) khi đối tượng này đã cho nhiều người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vay tiền dưới hình thức vay trả góp với lãi suất từ 121%/năm đến 456%/năm, qua đó thu lời bất chính hơn 110 triệu đồng.
Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với vai trò chủ công trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, thời gian qua, lực lượng đơn vị và Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, lĩnh vực, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, trên không gian mạng, chủ động phát hiện những biến tướng của hoạt động “tín dụng đen” trên từng lĩnh vực để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, băng ổ nhóm có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”; các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, cơ sở kinh doanh khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Qua đó đã triệt xóa các băng nhóm hoạt động có tổ chức, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, phường; tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động “tín dụng đen”.
“Vào thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán, Phòng CSHS sẽ tăng cường lực lượng phối hợp cùngcác đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động của các công ty, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động tài chính và cơ sở kinh doanh có điều kiệntrên địa bànđể kịp thời phát hiện hoạt động liên quan“tín dụng đen” nhằm có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ngoài ra tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về phòng, chống “tín dụng đen” đến người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền cho công nhân, người lao động của các công ty, doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động đóng tại các khu công nghiệp. Qua đó giúp người dân, công nhân, người lao động nắm rõ thủ đoạn, những hệ lụy khi vay tiền theo hình thức “tín dụng đen” để có giải pháp phòng tránh”, Đại tá Phạm Văn Toàn cho hay.