Vĩnh Phúc từng bước kiềm chế tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”
Hơn 2 năm qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều biện pháp cụ thể triển khai nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, từng bước kiềm chế hiệu quả loại tội phạm này.
Liên tiếp triệt xóa các đường dây cho vay nặng lãi
Trong 2 năm qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã triệt xóa một đường dây cho vay lãi nặng 1.825%/năm do Trương Văn Hùng, chủ hiệu Cầm đồ 225 ở thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) cầm đầu. Đối tượng bị bắt quả tang khi đang cùng đồng bọn dùng thủ đoạn manh động đòi nợ của anh Nguyễn Đăng Quân ở thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên.
Tài liệu của cơ quan điều tra xác định: Trương Văn Hùng cho anh Quân vay 30 triệu đồng với lãi suất 50.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Tức là với khoản vay 30 triệu đồng, mỗi ngày anh Quân phải trả cho Hùng 1,5 triệu đồng tiền lãi. Sau 4 ngày trả được 6 triệu tiền lãi cho Hùng, anh Quân không còn khả năng thanh toán thêm nữa. Do vậy, Hùng đã cùng 5 đối tượng là Phạm Đức Toàn, SN 1984, ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Phạm Thanh Tuấn, SN 1987; Dương Văn Thái, SN 2001, đều ở thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc); Phùng Văn Mạnh, SN 1994, ở phường Hội Hợp (Vĩnh Yên); Trương Công Quỳnh, SN 1993, ở thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đến nhà anh Quân đe dọa buộc anh Quân phải trả số tiền cả gốc và lãi là 112 triệu đồng. Khi anh Quân nói rằng chưa chuẩn bị đủ tiền, các đối tượng đã đe dọa tước mạng sống của anh Quân.
Tại hiện trường, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thu giữ số tiền 80 triệu đồng của các đối tượng, 1 súng ngắn tự chế, 2 dao nhọn. Khám xét khẩn cấp nhà ở và hiệu cầm đồ do Hùng làm chủ, lực lượng Công an thu giữ nhiều tờ quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp, mẫu hợp đồng vay tiền cá nhân, giấy biên nhận nợ...
Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang Nguyễn Thị Hải Yến, SN 1983, ở huyện Lập Thạch cùng với một số đối tượng khác đang cho vay lãi nặng bằng hình thức “bốc bát họ”. Kết quả điều tra xác định trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2020, Nguyễn Thị Hải Yến và đồng phạm đã cho 50 người vay lãi nặng bằng hình thức bốc bát họ với số tiền hơn 13 tỷ đồng; cho 5 người vay 350 triệu đồng tính lãi ngày, thu lời bất chính là gần 2,5 tỷ đồng. Với hành vi của mình, Nguyễn Thị Hải Yến và 6 đối tượng khác bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Cũng trong năm 2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Hải, SN 1992, cùng 4 đối tượng khác đều ở thị trấn Lập Thạch (Lập Thạch) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Kết luận điều tra của Cơ quan Công an xác định, từ ngày 25/2/2018 đến 16/10/2019, Đoàn Văn Hải và các đối tượng đã cho hơn 300 người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vay, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp vay tiền đều là người dân nghèo ở các huyện miền núi Lập Thạch, Sông Lô, trong đó có không ít trường hợp là học sinh các trường THPT.
Do nhận thức hạn chế, nhiều người không lường được lãi suất “cắt cổ” và cách tính “lãi mẹ đẻ lãi con” của các đối tượng, đã không thể kịp trở tay để trả gốc, đành “giật gấu vá vai” để trả lãi, dẫn đến số tiền phải trả cuối cùng gấp nhiều lần số tiền gốc ban đầu hoặc hoàn toàn mất khả năng thanh toán gốc và cứ thế bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát. Nhiều trường hợp người vay tiền của nhóm Đoàn Văn Hải đã phải bán toàn bộ gia sản mà vẫn không đủ trả nợ.
Quyết liệt đẩy lùi “tín dụng đen”
Như nhiều địa phương trên cả nước, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ xảy ra ở các phố thị sầm uất mà len lỏi vào cả các vùng nông thôn, miền núi. Nhận rõ nguy cơ tiềm ẩn của loại tội phạm này, trong thời gian qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều biện pháp cụ thể triển khai nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công an tỉnh đã thực hiện tốt Quy chế phối hợp về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh cầm đồ, “tín dụng đen” giữa công an 11 tỉnh, thành phố gồm Công an TP.Hồ Chí Minh, Công an TP Hà Nội, và công an các tỉnh: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương. Qua đó xây dựng thế trận hợp đồng, gắn kết giữa Công an các tỉnh, thành phố trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội siết chặt công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự (ANTT), kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT và kiến nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân về quy định của nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; các thủ đoạn lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hệ lụy nghiêm trọng của hoạt động “tín dụng đen”, từ đó tự phòng tránh và tích cực tham gia tố giác tội phạm.
Công an tỉnh cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn các xã, phường, thị trấn tổ chức ra quân tháo gỡ, sơn xóa tất cả quảng cáo, các tờ rơi, áp phích liên quan đến cầm đồ, hỗ trợ tài chính, “tín dụng đen”, không để người dân tiếp cận. Tổ chức gọi hỏi, răn đe, yêu cầu 100% chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính ký cam kết với nội dung: Không cho vay, cầm cố tài sản với mức lãi suất vượt quá quy định của pháp luật và không đòi nợ trái phép. Công an tỉnh cũng tham mưu UBND cấp huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, hỗ trợ tài chính, đã phát hiện 30 trường hợp cơ sở kinh doanh cầm đồ vi phạm, hoàn thiện hồ sơ xử phạt trên 22 triệu đồng, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với 5 cơ sở. Cùng với đó, Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cầm đồ, “tín dụng đen”.
Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện, tiếp nhận điều tra, xác minh 62 vụ với 141 đối tượng liên quan đến hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen”; đã khởi tố 47 vụ với 117 bị can về các tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản.