80% bác sĩ nội trú đòi nghỉ việc, Hàn Quốc kích hoạt cảnh báo cao nhất
Gần 80% bác sĩ nội trú trên khắp Hàn Quốc đã nộp đơn xin nghỉ việc, buộc chính phủ phải ban hành cảnh báo y tế mức cao nhất trong bối cảnh khủng hoảng hệ thống y tế ngày càng trầm trọng, Yonhap ngày 23/2 đưa tin.
Theo Yonhap, các bác sĩ nội trú tại nhiều bệnh viện đa khoa lớn trên toàn quốc đã có những động thái tập thể trong 4 ngày qua nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc để cải cách đào tạo ngành y, bao gồm tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025.
Tính đến tối 22/2, 8.897 bác sĩ nội trú từ 94 bệnh viện lớn ở Seoul và các nơi khác, tương đương 78,5% bác sĩ nội trú trên cả nước, đã nộp đơn xin nghỉ việc, với 7.863 người trong số họ đã không đến bệnh viện làm việc, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết.
Chính phủ Hàn Quốc đã nhận được thêm 40 khiếu nại từ bệnh nhân và những người khác liên quan đến cuộc đình công đang diễn ra, nâng tổng số đơn khiếu nại như vậy lên 189 đơn. Cuộc đình công bắt đầu từ 20/2 đã khiến các bệnh viện đa khoa lớn phải hủy bỏ 30-50% các ca phẫu thuật.
Theo Bô Y tế Hàn Quốc, nước này hiện có khoảng 13.000 bác sĩ nội trú, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị.
Để đối phó với tình trạng căng thẳng ngày càng tăng đối với hệ thống y tế, chính phủ Hàn Quốc ngày 23/2 đã nâng cảnh báo khủng hoảng y tế cơ sở lên mức "nghiêm trọng nhất" và thực hiện một loạt biện pháp để đối phó với tình huống dịch bệnh nếu xảy ra.
“Chúng tôi sẽ nâng mức hoạt động của các tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng lên tối đa”, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo tuyên bố trong cuộc họp diễn ra sáng 23/2 về kế hoạch ứng phó với cuộc đình công y tế đang diễn ra.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc kích hoạt cấp độ cảnh báo ở mức cao nhất như vậy do vấn đề dịch vụ y tế.
Giải pháp chính phủ Hàn Quốc đề xuất bao gồm việc cung cấp các dịch vụ y tế từ xa ở tất cả các bệnh viện, cũng như hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện để thuê thêm nhân công tạm thời. Đồng thời, nước này sẽ tối đa hóa việc sử dụng các cơ sở y tế công bằng cách kéo dài thời gian làm việc trong ngày và mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh cuối tuần và ngày lễ.
Trong khi đó,chính quyền thủ đô Seoul và chính quyền các tỉnh khác đã thành lập đội quản lý an toàn thảm họa riêng để ứng phó với tình huống khẩn cấp.