Ấn Độ làm nên lịch sử khi trạm đổ bộ Vikram đáp thành công xuống Mặt Trăng
Trạm đổ bộ Vikram của Ấn Độ trở thành phương tiện đầu tiên hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực Nam Mặt Trăng, không lâu sau khi sứ mệnh của Nga thất bại.
RiaNovosti cho biết, trạm đổ bộ Vikram của chương trình Chandrayaan-3 do Ấn Độ chủ trì đã hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực Nam Mặt Trăng lúc 19h35 tối nay (23/8, giờ Hà Nội), hơn một tháng sau khi nó được phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan.
Trạm đổ bộ bắt đầu quá trình hạ cánh đầy căng thẳng từ lúc 19h15 (giờ Hà Nội) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Toàn bộ quá trình hạ cánh được live trên các nền tảng mạng xã hội.
Thành công của Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc; đồng thời ghi dấu mốc lịch sử cho thấy New Delhi đã gia nhập nhóm cường quốc vũ trụ.
"Đây là chiến thắng của một Ấn Độ mới", Thủ tướng Narendra Modi nói khi theo dõi quá trình hạ cánh, theo Reuters. Ông S. Somanath, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) phát biểu: "Ấn Độ đang ở trên Mặt Trăng".
Trạm Vikram hạ cánh thành công vài ngày sau khi tàu đổ bộ Luna-25 của Nga rơi xuống bề mặt Mặt Trăng trong lúc hạ cánh và bị phá huỷ.
Cũng giống như tàu Luna-25, Vikram nhắm đến cực Nam Mặt Trăng, nơi địa hình gồ ghề nhưng có thể tồn tại băng nước hữu ích cho việc chế tạo nhiên liệu đẩy hoặc duy trì sự sống. Vikram là thiết bị đầu tiên của nhân loại đáp thành công xuống cực Nam Mặt trăng.
Nhiệm vụ Mặt Trăng đầu tiên trong chương trình Chandrayaan của Ấn Độ là Chandrayaan-1, triển khai năm 2008. Khi đó, Ấn Độ phóng thành công một thiết bị bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng ở độ cao 100km để lập bản đồ địa chất, khoáng vật và hóa học.
Sau khi tàu thuộc dự án Chandrayaan-1 hoàn thành mọi mục tiêu của nhiệm vụ chính, quỹ đạo của tàu được nâng lên 200km vào tháng 5/2009. Nhiệm vụ kết thúc khi các chuyên gia mất liên lạc với nó sau đó khoảng 3 tháng.
Năm 2019, Ấn Độ triển khai nhiệm vụ Chandrayaan-2 nhằm thử sức đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng nhưng thất bại. Trạm đổ bộ và robot bị phá hủy khi va chạm với bề mặt Mặt Trăng.
Theo Space, trạm đổ bộ Vikram cao khoảng 2m và nặng 1,7 tấn. Sau khi hạ cánh, tàu có thể triển khai một robot tự hành có tên Pragyan nặng 26 kg. Vikram và Pragyan sẽ thực hiện hàng loạt thí nghiệm để phân tích thành phần bề mặt Mặt Trăng.