Armenia dọa rút khỏi liên minh CSTO
Thủ tướng Armenia xác nhận, nước này đang cân nhắc về khả năng rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Thông tấn Nga RiaNovosti hôm nay (22/5) dẫn lời Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan xác nhận, ông "không loại trừ khả năng Armenia rút khỏi CSTO hoặc đóng băng tư cách thành viên".
Trong khi đó, DW dẫn lời ông Pashinyan nhấn mạnh, Armenia đã bỏ lỡ các cơ hội hợp tác an ninh vì là một thành viên CSTO. "Các bạn có nghĩ rằng chúng tôi từng nhận được đề xuất mua vũ khí và thiết bị quân sự từ các quốc gia khác không? Tất nhiên, đã có cơ hội cho việc đó, nhưng chúng bị đóng lại chủ yếu là do Armenia là thành viên CSTO", Thủ tướng Pashinyan nói thêm.
CSTO do Nga dẫn đầu, có 5 thành viên còn lại là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Theo hiến chương CSTO, bất cứ hành động gây hấn chống lại một thành viên nào sẽ được coi là hành động xâm lược chống lại liên minh và các nước còn lại có nghĩa vụ triển khai lực lượng hỗ trợ.
Năm ngoái, Armenia đã đề nghị Nga và CSTO hành động sau khi cáo buộc Azerbaijan tấn công các vị trí đóng quân của Armenia gần ranh giới tại vùng tranh cãi Nagorno-Karabakh, khiến hàng chục người thiệt mạng. Moscow sau đó tìm cách hòa giải các bên và không triển khai lực lượng.
Năm 2020, khi xung đột quân sự nghiêm trọng nổ ra ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan, chính quyền ông Pashinyan cũng hối thúc Nga hỗ trợ an ninh. Tuy nhiên, Moscow khi đó lập luận rằng họ sẽ chỉ hỗ trợ Yerevan trong trường hợp đụng độ diễn ra trực tiếp trên lãnh thổ nước này.
Nagorno-Karabakh được cộng đồng quốc tế công nhận là của Azerbaijan, nhưng sinh sống ở đây hầu hết là người gốc Armenia và do lực lượng thân Armenia kiểm soát từ hàng chục năm qua. Azerbaijan không phải thành viên CSTO, nhưng Moscow duy trì quan hệ tốt đẹp với Baku.
Cuộc xung đột năm 2020 kết thúc nhờ một thỏa thuận ngừng bắn do Nga bảo trợ và Armenia hứng thiệt hại nặng nề. Armenia khi đó chấp nhận trao trả các phần lãnh thổ mà Azerbaijan chiếm được trên thực địa, song vẫn được bảo lưu quyền kiểm soát phần lớn vùng Nagorno-Karabakh.
Trong diễn biến liên quan trực tiếp, Thủ tướng Armenia Pashinyan cùng ngày cũng tuyên bố, nước này sẵn sàng công nhận một khu vực rộng 86.600km2, bao gồm vùng Nagorno-Karabakh thuộc chủ quyền nước láng giềng Azerbaijan.
"Nhưng cũng phải nói rõ rằng, vấn đề về quyền và an ninh của người Armenia ở Nagorno-Karabakh cần được thảo luận theo định dạng Baku-Stepanakert", ông Pashinyan nói, đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Azerbaijan và chính quyền được Armenia hậu thuẫn ở vùng Nagorno-Karabakh.
Azerbaijan hiện chưa bình luận về thông điệp của ông Pashinyan. Đáng chú ý, Thủ tướng Armenia cũng trông đợi Baku và Yerevan có thể sớm đi đến một hiệp ước hòa bình. Armenia và Azerbaijan từ năm ngoái tham gia đàm phán kí kết hiệp ước hòa bình theo đề nghị của Nga, Mỹ và EU.