Bài toán khó Ukraine với phương Tây
Cụm từ này được giới chuyên gia sử dụng để miêu tả việc các nước phương Tây đang phải cân bằng giữa nhu cầu của mình và mức độ hỗ trợ cho Ukraine giữa bối cảnh kho vũ khí của họ đang cạn kiệt nhưng xung đột không có dấu hiệu kết thúc.
Các quan chức quốc phòng châu Âu nhận định, tình trạng thiếu vũ khí của các nước phương Tây hỗ trợ cho Ukraine đang trở thành chủ đề cho các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để cân bằng giữa sự hỗ trợ cho Ukraine với mối lo ngại Nga có thể nhắm đến họ như những mục tiêu tiếp theo.
Các nước NATO cung cấp hàng tỷ USD vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine cũng đang thảo luận về mức độ kho vũ khí cần thiết để đáp ứng các nghĩa vụ theo hiệp ước phòng thủ chung. Các quyết định mà những quốc gia này đưa ra có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của họ cũng như an ninh của Ukraine giữa bối cảnh cuộc xung đột vẫn tiếp diễn.
Nhận định về vấn đề này, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, cho rằng: “Khi tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, chúng ta cần phải đánh giá những rủi ro với mức độ sẵn sàng của quân đội mình cũng như tính tới các mối đe dọa”. Sức ép lên kho vũ khí “đang trải rộng” và đặc biệt đáng chú ý ở vấn đề đạn dược, quan chức NATO bình luận.
Theo ông, trong những năm qua, trước khi các quốc gia hỗ trợ cho Ukraine, họ chỉ duy trì kho vũ khí ở một nửa khả năng hoặc ít hơn bởi họ hầu như không thấy những rủi ro đe dọa đến an ninh của mình hoặc không dành nhiều ngân sách cho quốc phòng. “Sản xuất tức thời và đủ số lượng” chính là phương châm của ngành quốc phòng. “Nhưng sự cấp bách hiện nay đã được cảm nhận và hiểu rõ ở hầu hết quốc gia”, Đô đôc Rob Bauer nhấn mạnh. Theo ông, các nước phương Tây đang phải tính toán kỹ lưỡng về khả năng và nhịp độ Nga tái trang bị cho các lực lượng của mình trong cuộc xung đột ở Ukraine khi bản thân Moscow cũng đối mặt với những tổn thất nhất định,
Trong khi đó, Tham mưu trưởng Quân đội Canada Wayne Eyre cho biết, việc cân bằng nhu cầu hỗ trợ vũ khí sát thương và phi sát thương cho Ukraine với nhu cầu của quân đội Canada là “vấn đề khiến tôi trăn trở hàng đêm”. ông Wayne Eyre chia sẻ: “Chúng tôi phải liên tục tính toán xem liệu chúng tôi có thể hỗ trợ những gì và cần giữ lại những gì”. Xem xét mức độ đạn dược của Canada sau khi Ottawa hỗ trợ lựu pháo M777 và hơn 25.000 quả đạn pháo cho Ukraine đầu năm nay, Tham mưu trưởng Quân đội Canada cho biết hiện nước này có thể tăng cường sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm.
Giám đốc Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (NCA) Graeme Biggar thì bày tỏ lo ngại, nhiều loại vũ khí do phương Tây viện trợ cho Kiev có thể bị tuồn ra khỏi Ukraine và rơi vào tay các tổ chức khủng bố thông qua đường chợ đen. Ông cho biết, hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào về việc các tổ chức khủng bố nhận được các loại vũ khí thất thoát từ cuộc xung đột. Tuy vậy, Interpol và Europol đã triệt phá một số đường dây buôn lậu vũ khí tại Phần Lan và Thụy Điển thời gian qua, phần lớn số vũ khí này có nguồn gốc từ Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi phương Tây không nên cho Nga khoảng nghỉ trong thời điểm hiện nay. Giữa bối cảnh các nước hỗ trợ Ukraine bất đồng về việc liệu Kiev có nên bước vào các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Volodymyr Zelensky đã bác bỏ ý tưởng về một hiệp định đình chiến ngắn hạn với Nga.
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Lệnh ngừng bắn sẽ không đảm bảo hòa bình. Nga hiện đang tìm kiếm một hiệp định đình chiến ngắn hạn để tập hợp lại sức mạnh. Một số bên kêu gọi chấm dứt xung đột nhưng khoảng nghỉ này chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.
Giới chuyên gia nhận định rằng, với những quốc gia cắt giảm ngân sách quốc phòng từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc đảo ngược xu thế này đang diễn ra. Những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra ở Thụy Điển - quốc gia xin gia nhập NATO vào năm nay do lo ngại các hành vi đáp trả từ phía Nga.
Theo Chỉ huy quân đội Thụy Điển, Tướng Micael Bydén, thách thức hiện nay là gần như từng quốc gia phương Tây đều đang tìm kiếm các công ty quốc phòng có thể đáp ứng đồng thời các nhu cầu của họ. Ông nói: “Nếu bạn xếp ở cuối hàng, bạn sẽ không nhận được những gì bạn cần. Chúng tôi đang tiến hành đối thoại chặt chẽ với các công ty quốc phòng - vốn đang đối mặt với tình trạng cầu nhiều hơn cung, về những cách thức chúng tôi có thể hợp tác với nhau”. Lầu Năm Góc cũng đang thảo luận với các công ty quốc phòng về việc làm thế nào để tăng cường sản xuất vũ khí mới cũng như hợp tác với các đồng minh.
Trước đó, ngày 17/11, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN, các quan chức Mỹ cho biết, một số thách thức Mỹ phải đối mặt trong việc hỗ trợ Ukraine bao gồm kho dự trữ vũ khí “đang cạn kiệt” và khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, một thách thức nghiêm trọng với một số thành viên NATO, chẳng hạn như Hà Lan, thậm chí trước khi nước này hỗ trợ hơn 800 triệu USD cho Ukraine, là đáp ứng các nghĩa vụ của liên minh.
Tướng Onno Eichelsheim, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hà Lan cho biết kho vũ khí của nước này “không cao” khi Hà Lan quyết định cung cấp đạn pháo cỡ nòng 155mm và tên lửa phòng không cho Ukraine. Chính phủ Hà Lan và các nước châu Âu đang thảo luận với ngành quốc phòng về các kế hoạch dài hạn nhằm tăng cường sản xuất. Mục tiêu được họ đặt ra là xây dựng ngành quốc phòng châu Âu và không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. “Chúng tôi phải hợp tác hiệu quả hơn để đảm bảo sự tự trị chiến lược của châu Âu”, ông Onno Eichelsheim nói, đồng thời cho biết: “Chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào Mỹ hay các đối tác khác khi nhu cầu tăng cao”.