Belarus gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
Belarus gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trở thành thành viên thứ mười của tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh Á - Âu quan trọng do Nga và Trung Quốc dẫn đầu.
Thông tấn Nga RiaNovosti dẫn lời Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 4/7 thông báo, Belarus đã chính thức trở thành thành viên thứ 10 của SCO. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cùng ngày đã xuất hiện tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm ở thủ đô Astana (Kazakhstan).
"Belarus đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết trong thời gian ngắn. Việc kết nạp Belarus vào SCO với tư cách thành viên có hiệu lực lập tức", Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart thông tin.
SCO thành lập vào năm 2001 tại Thượng Hải, với 6 thành viên sáng lập là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Tajikistan và Uzbekistan. Ấn Độ và Pakistan gia nhập tổ chức vào năm 2017 và Iran vừa được chấp thuận gia nhập vào tháng 7/2023.
Belarus trở thành đối tác đối thoại của SCO năm 2010, sau đó nâng cấp thành quan sát viên năm 2015. Với sự gia nhập của Belarus, SCO hiện có 10 thành viên, hai quốc gia quan sát viên và 14 đối tác đối thoại. Đây là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới xét về quy mô địa lý và dân số, chiếm hơn 60% diện tích lục địa Á - Âu, hơn 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu.
Theo RiaNovosti, hội nghị thượng đỉnh năm nay của SCO khai mạc ngày 4/7. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tới dự sự kiện. Sau hội nghị, vị trí chủ tịch luân phiên của SCO được bàn giao cho Trung Quốc.
SCO nhấn mạnh mục tiêu của tổ chức là nhằm "tăng cường niềm tin và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước thành viên; thúc đẩy hợp tác hiệu quả về chính trị, kinh tế thương mại, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác, nỗ lực duy trì, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực, tiến tới thiết lập một trật tự kinh tế, chính trị mới, dân chủ, công bằng và hợp lý".
SCO khẳng định họ hoạt động dựa trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn chung, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa và khát vọng phát triển chung. Chính sách đối ngoại của tổ chức được thực hiện theo nguyên tắc cởi mở và không nhắm vào bên thứ ba.