Bị áp giá trần, Nga tuyên bố dầu mỏ nước này vẫn "đông khách"
Nga ngày 3/12 cho biết nước này sẽ tiếp tục tìm được người mua dầu của mình bất chấp những nỗ lực “nguy hiểm” của một số chính phủ phương Tây nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Nhóm G7, Australia và Liên minh châu Âu mới đây đã thống nhất về mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, nhằm hạn chế nguồn thu lớn của Moscow. Theo các nước phương Tây, biện pháp này có khả năng chặn nguồn tài trợ của Nga cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Việc đưa ra mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã chỉ trích quyết định này trên trang Telegram, nhấn mạnh rằng đây là động thái “định hình lại” các nguyên tắc tự do thị trường, đồng thời khẳng định dầu của Nga vẫn sẽ có người mua.
Trong khi đó, Andriy Yermak, Trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine cho biết, mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga mà các nước phương Tây đã đồng ý nên được hạ xuống 30 USD/thùng để tác động mạnh hơn đến nền kinh tế Nga.
Trong bối cảnh phương Tây tiếp tục leo thang các biện pháp trừng phạt với Nga, ít khả năng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đàm phán liên quan đến vấn đề dầu mỏ hay chiến sự Ukraine.
Nhà Trắng ngày 2/12 (giờ địa phương) cho biết, Tổng thống Biden hiện không có kế hoạch đàm phán với ông Putin. Trước đó, hôm 1/12, ông Biden trong cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sẵn sàng nói chuyện nếu lãnh đạo Nga cũng có thiện chí trong việc kết thúc cuộc chiến bằng con đường ngoại giao.
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin vẫn sẵn sàng đàm phán về biện pháp nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine.