Bước ngoặt chiến lược hay “giao dịch ép buộc”?

06:43 19/04/2025

Ngày 17/4 (giờ địa phương), Mỹ và Ukraine đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác phát triển tài nguyên khoáng sản - động thái được đánh giá là bước khởi đầu cho một thỏa thuận kinh tế song phương có quy mô lớn hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là hình thức “trả nợ” cho các gói viện trợ quân sự mà Washington đã cung cấp cho Kiev trong thời kỳ chính quyền tiền nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, văn kiện đang vấp phải nhiều tranh cãi cả trong và ngoài Ukraine, xoay quanh tính công bằng và tác động dài hạn tới chủ quyền kinh tế quốc gia này.

18_4_2025_quocte.jpg -0
Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine là biểu tượng cho sự giao thoa giữa địa chính trị và địa kinh tế. Ảnh: Reuters

Theo thông cáo từ Nhà Trắng và Bộ Năng lượng Mỹ, bản ghi nhớ đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn diện về khai thác các khoáng sản chiến lược của Ukraine, gồm đất hiếm, lithium và titan - những nguyên liệu thiết yếu không chỉ với ngành công nghiệp quốc phòng mà còn là trụ cột của công nghệ năng lượng sạch và chuyển đổi số. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh bởi cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung, các loại tài nguyên này càng trở nên “chiến lược” hơn bao giờ hết.

Hãng Reuters cho biết, văn kiện còn đề xuất thành lập một Quỹ Đầu tư phục vụ công cuộc tái thiết Ukraine hậu xung đột. Tuy nhiên, các điều khoản cụ thể của thỏa thuận vẫn chưa được công bố và việc thiếu vắng các cam kết an ninh rõ ràng từ phía Mỹ đang khiến không ít nhà quan sát lo ngại.

Đối với Ukraine, hiện nước này đang đối mặt với bài toán cấp thiết về nguồn vốn phục hồi cơ sở hạ tầng và ổn định tài chính sau hơn ba năm chiến tranh. Trong khi đó, đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, đây không đơn thuần là một dự án kinh tế, mà còn là chiến lược củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Âu - nơi có thể trở thành mắt xích quan trọng nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu công nghiệp từ Trung Quốc, đồng thời tạo đòn bẩy đối với các quốc gia châu Âu đang vật lộn trong bài toán “tự chủ chiến lược” nhưng vẫn phụ thuộc vào các nhà cung ứng ngoài khối. Song điều khiến dư luận đặc biệt chú ý không nằm ở nội dung của bản ghi nhớ, mà ở cách thức và bối cảnh mà nó được thúc đẩy.

Hồi tháng 2/2025, trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã khiến cả giới ngoại giao châu Âu lẫn phái đoàn Ukraine “giật mình” khi công khai đề xuất rằng Kiev nên “trả nợ” viện trợ quân sự mà Washington từng cung cấp bằng cách nhượng lại một phần lớn doanh thu từ khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp Mỹ.

Theo một số nguồn tin từ giới chức hai bên, người đứng đầu Nhà Trắng đã đưa ra con số cụ thể: 50% doanh thu từ các mỏ tài nguyên quý tại Ukraine sẽ thuộc về các công ty Mỹ - một đề xuất bị phía Ukraine phản đối thẳng thừng. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố, viện trợ không hoàn lại không thể bị quy đổi thành công cụ mặc cả tài nguyên, đồng thời cảnh báo điều này có thể làm tổn hại niềm tin trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tuy nhiên, việc hai bên ký bản ghi nhớ hôm 17/4 cho thấy một thỏa hiệp chính trị nào đó đã đạt được. Dù văn kiện không nhắc tới tỷ lệ phân chia doanh thu hay các điều khoản cụ thể, nhưng rõ ràng đã đặt nền móng cho một khuôn khổ hợp tác kinh tế mang tính địa chính trị sâu sắc - trong đó, Mỹ không chỉ đóng vai trò nhà đầu tư mà còn là bên trực tiếp hưởng lợi từ công cuộc tái thiết Ukraine. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi về bản chất của viện trợ Mỹ trong giai đoạn mới: phải chăng sự hỗ trợ quân sự không còn là vô điều kiện như thời kỳ 2022-2024, mà đang được tái định hình thành một “gói đầu tư” gắn với kỳ vọng lợi nhuận kinh tế rõ ràng?

Không nằm ngoài dự đoán, bản ghi nhớ nói trên đã làm dấy lên những phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ đơn phương thúc đẩy thỏa thuận mà không thông qua tham vấn với các đồng minh trong Liên minh châu Âu là bước đi có thể làm rạn nứt mặt trận phương Tây trong hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ sự dè dặt, nhấn mạnh rằng việc tái thiết Ukraine cần được triển khai trong khuôn khổ minh bạch, công bằng và có sự phối hợp đa phương.

Giáo sư Fiona Hill - chuyên gia về chính sách Nga tại Viện Brookings - nhận định: “Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine có thể là một tín hiệu tích cực về đầu tư tái thiết, nhưng nó cũng phản ánh cách tiếp cận thực dụng hơn của chính quyền Trump, khi viện trợ đi kèm điều kiện kinh tế”. Bà cảnh báo, nếu không được quản lý một cách cẩn trọng, điều này có thể khiến Ukraine từ chỗ là quốc gia nhận hỗ trợ trở thành bên lệ thuộc về tài nguyên.

Cùng quan điểm, ông Samuel Charap, nhà phân tích an ninh tại Rand Corporation, cho rằng bản ghi nhớ đang đi theo mô hình “hỗ trợ có hoàn lại”. Trong phân tích gửi tạp chí Foreign Affairs, ông viết: “Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn định nghĩa lại viện trợ thời chiến như một khoản đầu tư địa kinh tế. Đây là khởi đầu của một nguyên tắc mới, trong đó hỗ trợ quốc phòng có thể gắn liền với việc tiếp cận thị trường nội địa của quốc gia nhận viện trợ”.

Về phía Ukraine, bản ghi nhớ là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó tạo ra dòng vốn cần thiết để khôi phục kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực công nghiệp. Mặt khác, nó cũng khiến Kiev có nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát các tài nguyên chiến lược - thứ mà nhiều chính phủ hậu Xô Viết từng coi là “tài sản quốc gia” không thể bị thương mại hóa.

Thỏa thuận Mỹ-Ukraine về khai khoáng cũng làm nóng lại những tranh luận lâu nay trong EU về tính “tự chủ chiến lược”. Trong khi Brussels tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm và pin lithium thông qua các đối tác như Canada, Australia và một số nước châu Phi, việc Mỹ can thiệp sâu vào lĩnh vực khai khoáng ở Ukraine - nơi giáp ranh Nga - có thể khiến EU rơi vào thế lưỡng nan về địa chính trị. Về phía Trung Quốc - quốc gia hiện đang kiểm soát hơn 60% chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu - thỏa thuận Mỹ-Ukraine có thể bị xem là nỗ lực cô lập Bắc Kinh khỏi một phần quan trọng của thị trường nguyên liệu thô.

Chuyên gia Wang Huiyao, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), nhận định trên kênh CGTN: “Mỹ đang xây dựng một mạng lưới địa kinh tế bao vây công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, trong đó Ukraine có thể trở thành một mắt xích quan trọng nếu thỏa thuận này được hiện thực hóa”.

Dù còn nhiều tranh cãi, bản ghi nhớ ngày 17/4 rõ ràng là thử nghiệm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ hai trong việc định hình lại ngoại giao thời chiến. Nếu như trước đây, Washington gắn viện trợ với những lý tưởng dân chủ, nhân đạo và an ninh, thì nay cách tiếp cận được đặt trên cơ sở “có đi có lại” - minh bạch, cụ thể và mang tính thương mại hóa cao.

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine - Nga vẫn chưa có lối thoát rõ ràng và các cường quốc đang bước vào một giai đoạn tái cấu trúc trật tự kinh tế toàn cầu, thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine là biểu tượng cho sự giao thoa giữa địa chính trị và địa kinh tế.

Với Ukraine, đây là bài toán giữa hiện thực và lý tưởng. Với Mỹ, đó là sự trở lại mạnh mẽ của chiến lược “Nước Mỹ trên hết” trong hình hài mới. Và với thế giới, đó là lời nhắc nhở rằng không có điều gì thực sự miễn phí - kể cả khi bạn đang ở tuyến đầu của một cuộc chiến vì các giá trị phổ quát.

Khổng Hà

Sau gần hai năm rưỡi triển khai đồng bộ và toàn diện, lực lượng 363 Công an TP Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò nòng cốt, xung kích trong công tác đảm bảo TTATXH. Với cơ chế tổ chức linh hoạt, phương thức hoạt động tuần tra khép kín trên các tuyến, địa bàn trọng yếu, kết hợp giữa thông tin nghiệp vụ với tuần tra công khai, sự hiện diện kịp thời và hiệu quả của lực lượng 363 đã tạo ra những chuyển biến tích cực, rõ nét…

Dầu ăn - thứ tưởng chừng an toàn và quen thuộc trong mỗi gian bếp - lại đang trở thành mối nguy hại tiềm ẩn khi nhiều sản phẩm dầu “bẩn”, kém chất lượng vẫn ngang nhiên lưu hành trên thị trường.

Những khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa của nữ chiến sĩ CAND trong thực hiện công tác chuyên môn, công tác đoàn thể đã hội tụ tại cuộc thi ảnh “Duyên dáng phụ nữ Công an nhân dân” năm 2025 - trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2025).

9h ngày 4/7, theo kế hoạch, Hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) và bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) cùng 39 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy nhiên, mở đầu phiên tòa, Chủ tọa Trần Nam Hà thông báo, do vụ án có tình tiết mới nên phiên tòa trở lại phần xét hỏi.

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tạo điều kiện cho người nước ngoài sử dụng nhiều tiện ích số tại Việt Nam như: Xác thực thông tin trong giao dịch ngân hàng, đăng ký thuê nhà, sử dụng dịch vụ công cộng, lưu trữ thẻ cư trú điện tử và các loại giấy tờ hợp pháp trên ứng dụng VNeID.

Sau khi thực hiện hành vi giết người, đối tượng chủ mưu đã tổ chức việc phi tang xác nạn nhân ở khu vực đồi núi hiểm trở, ít người qua lại thuộc địa bàn huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang (cũ) nay là tỉnh Tuyên Quang, rồi xoá hết các thông tin về nạn nhân… 

Bộ Tài chính Mỹ ngày 3/7 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một mạng lưới buôn lậu dầu mỏ có liên hệ với Iran và một tổ chức tài chính do lực lượng Hezbollah kiểm soát, động thái nhằm gia tăng áp lực kinh tế lên Tehran và ngăn chặn nguồn tài trợ cho các hoạt động bị Washington xem là gây bất ổn tại Trung Đông.

Theo Bộ Y tế, một trong những khó khăn của việc quản lý thực phẩm chức năng là theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý. Doanh nghiệp đã lợi dụng vào điều này để tuỳ tiện xếp loại sản phẩm, hoặc sản xuất sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả tuồn ra thị trường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.